2 trong số 6 cửa khẩu ở khu vực biên giới giữa Ba Lan - Belarus hiện vẫn hoạt động. Một cửa khẩu trong số này cho phép xe tải và các phương tiện chở khách đi qua.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TVN24 hôm 22/6, khi được hỏi về khả năng đóng cửa cả 2 cửa khẩu nói trên, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski tiết lộ, Warsaw “hiện đang xem xét liệu điều này sẽ gây ra hậu quả gì đối với nền kinh tế và các cộng đồng địa phương”.
Ông Sikorski lưu ý, Phần Lan đã đóng cửa biên giới với Nga hồi tháng 11 năm ngoái sau khi hơn 1.300 người di cư, chủ yếu từ Trung Đông và Châu Phi, tràn vào nước này từ Nga trong thời gian 4 tháng. Động thái của Helsinki đã dẫn đến việc giảm dòng người xin tị nạn ở quốc gia Bắc Âu.
Ngoại trưởng Ba Lan nhắc lại cáo buộc của Warsaw về việc các cơ quan an ninh của Nga và Belarus đứng sau sự gia tăng lượng người di cư vào Ba Lan kể từ đầu năm nay. Nhà ngoại giao này cũng cáo buộc các đặc vụ Belarus đã hướng dẫn những người di cư cách tấn công lính biên phòng Ba Lan, đồng thời nhấn mạnh việc đó “gây sốc và hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Hồi cuối tháng 5, một binh sĩ Ba Lan đã qua đời sau khi bị một người di cư đâm xuyên qua hàng rào do Warsaw dựng lên ở biên giới.
Tuy nhiên, các quan chức Belarus đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc của Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU) về việc họ đưa người di cư đến biên giới Ba Lan.
Hãng tin BELTA dẫn lời nghị sĩ Oleg Gaidukevich, lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do của Belarus cảnh báo, việc đóng cửa biên giới sẽ “không giải quyết được vấn đề, mà chỉ làm trầm trọng thêm mọi thứ và làm xấu đi hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước láng giềng”.
Ông Gaidukevich tin Ba Lan sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn Belarus vì quyết định như vậy. Ông đồng thời cáo buộc Warsaw đã “phá hủy hoạt động kinh doanh ở biên giới Ba Lan” và làm phức tạp quyền tự do đi lại giữa hai nước.