Sự linh hoạt của thầy giáo

Thầy dạy Toán năm lớp 12 của tôi là C.T.N., một nhà giáo mực thước, giỏi nghề, yêu thương học sinh. Lần ấy là kiểm tra 15 phút phân môn Đại số, lúc trả bài kiểm tra, tôi được 6 điểm cùng lời phê của thầy: “Lần sau kiểm tra lại”.

{keywords}
Với học sinh, biết nâng niu, giúp các em thêm động lực, tự tin hơn, say mê hơn trong học tập

Ít hôm sau có giờ thầy, tôi làm bài được 7 điểm, thầy nhận xét trên bài làm: “Kết quả chưa đúng với năng lực, lần sau kiểm tra lại”. Lần thứ 3, điểm số cao hơn, thầy chấp nhận và ghi vào sổ. Kỷ niệm đó in đậm trong tâm trí tôi, như hành trang không thể thiếu lúc sau này khi tôi đi dạy học, rồi làm cán bộ quản lý.

Điểm số khi đã cập nhật vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh, mọi sự điều chỉnh nếu không có lý do là vi phạm quy chế chuyên môn. Nhưng trước đó, có thể thầy cô linh hoạt. Điều đó đòi hỏi sự cao thượng mà nhiều lúc chỉ giáo viên thôi - chưa đủ.

Khi trả bài kiểm tra, học sinh và phụ huynh săm soi kỹ lắm. Nếu thấy điểm số chưa phù hợp với bài làm của mình, thầy cô đều được đề nghị chấm lại. Thấu cảm học sinh, nhưng khi ra “công đường” thì tình cảm đó xếp sau quy định về kiểm tra, đánh giá học sinh. Dư luận ít đồng cảm với giáo viên mà thường phê phán, chuyện này đã xảy ra và không phải là số ít.

Kỷ niệm của bác sĩ

Lần đó tôi cho lớp 12A kiểm tra 1 tiết môn Vật lý, sau khi trả bài kiểm tra, C., một học sinh chăm và năng động, nêu thắc mắc một câu trong bài kiểm tra của em không được trọn điểm.

Sau khi giải thích, C nhận ra thiếu sót trong câu trả lời của mình. Lúc đó chỉ có hai thầy trò, C cứ tần ngần, rồi nói với tôi: “Mang bài kiểm tra này về, ba mẹ sẽ mắng em”. Nhìn ánh mắt của em, tôi biết em căng thẳng. Tôi nói: “Thầy sẽ chấm lại và cộng thêm điểm vào bài kiểm tra này những lần em phát biểu xây dựng bài”. C đưa bài kiểm tra cho tôi và bước nhanh ra khỏi lớp, cùng nụ cười thật tươi. Bây giờ C là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM.

Với học sinh, biết nâng niu, giúp các em thêm động lực, tự tin hơn, say mê hơn trong học tập.

Khép lại thời kỳ khốn khó điểm số

Mấy năm tôi làm hiệu trưởng tại một trường THPT có điểm đầu vào lớp 10 thấp nhất tại địa phương (có 7 trường THPT). Biết vậy nên tôi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, có lúc 3 buổi/ngày (sáng, chiều, tối).

Tôi cùng với thầy cô thiết kế chương trình, học sinh có tiến bộ nhưng còn chậm. Kết quả kiểm tra có em điểm số rất thấp, thầy cô cho kiểm tra lại hoặc tạo cơ hội cho các em gỡ điểm lúc kiểm tra miệng hay tích cực trong hoạt động trải nghiệm. Thầy cô dỗ dành, học trò dần siêng học, khép lại thời kỳ “khốn khó” điểm số. Tiếng lành đồn xa, hiện điểm tuyển vào lớp 10 hằng năm của trường đứng vào top cao của tỉnh nhà.

Dạy học khó có một công thức chung trong ứng xử - chỉ nói riêng chuyện điểm số bài kiểm tra. Mỗi nhà trường, một vẻ; mỗi thầy cô, một nét riêng; mỗi học trò, một hoàn cảnh; cùng những yếu tố khác vun trồng nên văn hóa nhà trường.

Quá trình ấy, trọng trách thuộc về thầy cô nhưng không thể thiếu sự chung tay của phụ huynh, cộng đồng. Khi có sự thấu cảm, có niềm tin, từng bài học là những câu chuyện nồng ấm mãi thôi…

Nhà giáo Nguyễn Hoàng Chương

Lá thư ấm áp từ cô giáo Pháp và bài kiểm tra của học sinh Việt

Lá thư ấm áp từ cô giáo Pháp và bài kiểm tra của học sinh Việt

Con gái tôi vừa gấp quần áo vừa lấy tay quệt nước mắt. Tôi hốt hoảng hỏi con, có phải ở trường đã xảy ra chuyện gì hay không. Tôi càng hoảng hơn khi con gật nhẹ đầu thay cho câu trả lời.