Đây là thông báo được ông Morawiecki đưa ra hôm 11/4 sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Washington.
“Mỹ hoàn toàn cam kết tăng cường sự hiện diện ở Ba Lan”, ông Morawiecki nói với đài truyền hình RMF của Ba Lan sau chuyến thăm Nhà Trắng, và cho biết thêm ông còn thảo luận về tổ hợp phòng thủ tên lửa đang được xây dựng ở thị trấn Redzikowo, phía bắc Ba Lan.
Cũng theo Thủ tướng Ba Lan, ông “rất vui khi Phó Tổng thống Mỹ không chỉ nói về sự hiện diện bổ sung của vài nghìn binh sĩ, mà còn về việc xây dựng một căn cứ, và các kho chứa thiết bị cũng như vũ khí của Mỹ”, nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Trong buổi họp báo chung với Phó Tổng thống Mỹ Harris tại Nhà Trắng, Thủ tướng Ba Lan nói rằng Warsaw “muốn trở thành một nền móng an ninh ở châu Âu”, và sẽ tăng chi tiêu quân sự trong năm nay chiếm 4% GDP.
“Ba Lan muốn xây dựng quân đội mạnh nhất ở châu Âu. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến nhất thế giới, và đó là Mỹ”, ông Morawiecki nhấn mạnh.
Ba Lan hiện đóng vai trò là trung tâm hậu cần để NATO vận chuyển vũ khí, đạn dược và thiết bị tới Ukraine, nhưng Warsaw khẳng định không phải là một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Mỹ hiện không có căn cứ thường trực nào ở Ba Lan, quốc gia đã gia nhập NATO vào năm 1999. Hồi tháng Hai, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết khoảng 10.000 lính Mỹ đang đóng quân tại nước này.
Lâu nay, Warsaw đã muốn có một căn cứ quân sự Mỹ hoạt động lâu dài trên lãnh thổ quốc gia, và thậm chí còn đề xuất đặt tên cho căn cứ này là “Pháo đài Trump” vào năm 2018, thời điểm ông Donald Trump giữ chức Tổng thống Mỹ.