Tuyến bài: Có nên cho trẻ rời bỏ trường học để giáo dục tại nhà?
5 năm nghỉ việc, dạy con tại nhà
Có ba con trai lần lượt 12 tuổi, 11 tuổi và 6 tuổi, hai vợ chồng chị Mai Anh từng rất nhiều lần trăn trở về quyết định cho các con tự học tại nhà (homeschool). Trước đó, Minh Hải - cậu con trai lớn của chị từng có thời gian theo học tại một trường mầm non tư thục ở TP.HCM.
Vì mong muốn các con có thể học tập linh hoạt hơn về chương trình, giờ học, môn học… chị quyết định nghỉ việc, dành toàn bộ thời gian để đồng hành cùng con học tại nhà. Hai con trai nhỏ của chị - Minh Long và Minh Lâm cũng được cha mẹ định hướng học tại nhà.
Theo chị Mai Anh, với homeschool, cha mẹ có thể chuyển nhà 10 lần/năm, đi du lịch trong vòng 6 tháng, hay thậm chí dọn nhà lên núi ở… cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc học tập của các con.
Thực tế, mỗi đứa trẻ sẽ có một cách tiếp thu khác nhau. Có bé tiếp thu nhanh khi nghe, có bé lại nhớ nhanh hơn khi nhìn mặt chữ; có bé thích chơi thể thao buổi sáng, học tốt đầu giờ chiều nhưng có bé ngược lại.
"Vì vậy với homeschool, cha mẹ có thể linh hoạt lựa chọn chương trình phù hợp với khả năng, tốc độ của con. Cũng có thể nói, homeschool giữ cho trẻ được là chính mình thay vì làm thui chột cá tính và sự sáng tạo của trẻ”.
Dù vậy, sau gần 5 năm đồng hành cùng các con, chị Mai Anh thừa nhận, hành trình homeschool "chưa bao giờ dễ dàng”.
Khi mới bắt đầu, bản thân chị cũng từng có hàng trăm nỗi lo. Mặc dù chương trình của những lớp nhỏ (khoảng lớp 1 – 3) tương đối dễ, nhưng càng lên cao, chương trình học càng khó hơn buộc phụ huynh phải đồng hành, hỗ trợ. Ngoài ra, nếu không thể theo được chương trình nước ngoài, con cũng không còn cơ hội quay lại do không theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Chị Mai Anh kể, có rất nhiều gia đình khi bắt đầu homeschool chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt rằng con sẽ giỏi tiếng Anh, học ở nhà sẽ thoái mái, linh hoạt.
Vì thế, cha mẹ đã vội vàng tham gia vào một nhóm gồm nhiều gia đình có con homeschool. Sau đó, họ thuê giáo viên về dạy mà không có kế hoạch trong các tình huống như khi giáo viên nghỉ, giáo viên không đáp ứng được tiêu chuẩn cần thiết, hay khi một trong số các gia đình dừng học khiến chi phí đội lên. Từ đó nhóm bị giải tán và trẻ không biết đi về đâu…
"Cũng có một số gia đình có con homeschool, nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm cả ngày, vì vậy đã bê nguyên chương trình nước ngoài có video cho con học. Tôi cho rằng, hình thức ấy không khác gì các con đi học ở trường, chỉ là thay đổi địa điểm học tại nhà mà thôi”, chị Mai Anh thẳng thắn.
Trước nhiều trăn trở, chị Mai Anh đã tìm hiểu và biết về một số chương trình học phổ biến tại Mỹ. Chị cũng gặp một số gia đình nước ngoài, thậm chí có tới 4 – 6 con. Mỗi bạn nhỏ lại có một trình độ khác nhau, nhưng bố mẹ vẫn có thể đồng hành và dạy con hiệu quả.
“Trong những gia đình ấy, hầu hết khi lên lớp 8, trẻ đã phải tự học tới 80% để cha mẹ có nhiều thời gian cho các em nhỏ hơn”.
Cũng theo chị, khả năng tự học với trẻ là rất quan trọng, bởi tới bậc đại học, giáo sư không còn giảng bài mà chỉ giải đáp thắc mắc của sinh viên. Nếu không đọc và tìm tòi trước tại nhà, sinh viên cũng không thể đưa ra các câu hỏi.
"Tôi cho rằng, khi bắt đầu homeschool, phụ huynh cần đứng sau lưng con; sau vài năm ngồi cạnh và giúp con khi cần thiết. Sau vài năm nữa, cha mẹ có thể ngồi nghe con giảng bài”, chị nói.
Homeschool rất tốn thời gian
Hiện tại, cả 3 con trai của chị Mai Anh vẫn học theo chương trình Mỹ, dưới sự hướng dẫn của mẹ. Giờ học của cả nhà thường bắt đầu lúc 8 giờ, sau khi các con đã vệ sinh cá nhân và ăn sáng.
Đối với Minh Lâm đang học lớp 1, việc học chỉ diễn ra tổng cộng khoảng 40 phút/ngày, trong khi các anh lớn sẽ học khoảng 4-5 tiếng/ngày cho các môn chính. Thời gian còn lại, 3 anh em được học môn năng khiếu như học đàn, chơi thể thao hoặc chơi tự do.
Có những môn cả 3 anh em sẽ được học chung với nhau, nhưng cũng có những môn mỗi bạn sẽ học riêng để phù hợp với tốc độ của mình.
Chương trình học cũng đã được chị Mai Anh chọn lọc nhằm phù hợp hơn với khả năng của mỗi bé.
Chị Mai Anh chia sẻ, khi mới bắt đầu, chị cũng từng có suy nghĩ mua một chương trình về dạy cho anh lớn, sau đó để các em học theo.
Nhưng sau đó chị nhận ra, tính cách của mỗi trẻ là khác nhau, do đó cần những chương trình học hoàn toàn khác.
“Có nhiều lúc chọn sai chương trình, con không thích, tới môn đó là lại khóc, mẹ cũng đành phải bỏ phí, coi như mất cả chục triệu đồng mua học liệu. Homeschool là một việc rất tốn thời gian. Cha mẹ phải theo sát con, nhất là khi các bé còn nhỏ”, chị chia sẻ thêm.
Theo chị, hiện nay các giáo trình homeschool được chia sẻ khá nhiều và chi tiết. Tuy nhiên, việc chọn chương trình cũng giống như chữa bệnh, trước tiên phải khám, bắt bệnh rồi mới kê toa thay vì chạy theo chương trình số đông lựa chọn.
“Tất nhiên, cũng có thể trẻ theo được chương trình do cha mẹ chọn, nhưng vô tình cha mẹ có thể làm mất đi cơ hội phát huy hết tiềm năng của trẻ.
Cho nên, phụ huynh cần phải hiểu khả năng của con và dựa trên nhu cầu. Ví dụ, nếu gia đình quan trọng chuyện bằng cấp, có thể lựa chọn những chương trình được công nhận kết quả”.
Dù lựa chọn để con học tập tại nhà nhưng chị Mai Anh vẫn duy trì việc kiểm tra trình độ thông qua những bài test online. Mức phí cho một bài kiểm tra chính thống, được công nhận tại Mỹ khoảng 55 USD.
Thông qua bài test này, các con sẽ được kiểm tra về mặt nhận thức, khả năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề…
Còn với phụ huynh, bài test ấy như một lần kiểm tra xem bản thân có đang dạy con hiệu quả không, có đang bỏ sót kiến thức nào hay không.
"Điều quan trọng, sau này con vẫn có thể sử dụng thông tin và kết quả ấy nếu muốn tiếp tục học ở những bậc cao hơn”, chị Mai Anh chia sẻ.
Homeschooling hay homeschool là một phong trào giáo dục được coi là tiến bộ trên thế giới. Theo trào lưu này, cha mẹ thay giáo viên tự dạy dỗ con cái tại nhà thay vì gửi con đến trường học truyền thống. Các gia đình chọn học tại nhà cho con vì nhiều lý do khác nhau. Đó có thể là do hoàn cảnh sống phải di chuyển liên tục, do tôn giáo, do đặc thù riêng của đứa trẻ, điều kiện gia đình không phù hợp với mô hình trường học truyền thống và cũng bao gồm cả việc không hài lòng với các mô hình, mục tiêu và phương pháp giáo dục hiện tại trong nhà trường. Trào lưu này đã gây khá nhiều tranh cãi về mục tiêu, phương pháp, tính chất pháp lý trong việc công nhận kết quả học tập cũng như những mặt trái của nó. Có lẽ, cùng với sự phát triển của công nghệ, tác động của cuộc cách mạng 4.0 về phong trào giáo dục tại nhà và những gì liên quan khi cha mẹ giáo dục con cái của họ tại nhà lại một lần nữa cần được đặt ra và xem xét một cách đầy đủ, khách quan và nghiêm túc. Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn về trào lưu Học tại nhà: "Có nên cho trẻ rời bỏ trường học để giáo dục tại nhà?". Bạn đọc có ý kiến có thể gửi về phần bình luận của bài hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Xin cảm ơn. |