Ngày 13/12, TAND tỉnh An Giang mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, 53 tuổi), Nguyễn Hoàng Út (em trai bà Mười Tường) và 5 đồng phạm về tội “Buôn lậu”.
Theo cáo trạng, ngày 23/12/2018, Nguyễn Hoàng Út kêu bị cáo Trần Công Tới cảnh giới chốt biên phòng tại xã Phú Hội (huyện An Phú); chỉ đạo bị cáo Võ Minh Phương sang Campuchia nhận và giao đường cát, quần áo để chuyển về Việt Nam.
Khoảng 10h cùng ngày, Phương sang đến Campuchia và giao cho bị cáo Nguyễn Văn Dũng 106 bao quần áo, giày, túi xách; giao cho Lê Văn Điện 400 bao đường; Nguyễn Văn Lình chở 498 bao đường và Trần Văn Tánh chở 499 bao đường cát.
Khi ghe chở đường cát của những người nói trên về tới địa bàn xã Phú Hội, huyện An Phú thì bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) phát hiện kiểm tra.
Qua kiểm tra, Công an phát hiện 1.397 bao đường, 106 bao chứa quần áo, giày, túi xách, mũ (nón) đều không có hóa đơn chứng từ.
Sau đó, cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam đối với Dũng, Điện, Lình và Tánh về hành vi “Buôn lậu”.
Còn Phương, Tới, Miền bỏ trốn sang Campuchia, đến tháng 4/2020 thì 4 người này đến Công an ở huyện An Phú đầu thú.
Những người này khai, bà Mười Tường trực tiếp mua đường cát từ Campuchia vận chuyển về Việt Nam bán cho khách hàng ở các tỉnh và điều hành toàn bộ đường dây vận chuyển hàng lậu, cũng như phân công nhiệm vụ cho từng người trong đường dây.
Trong đó, Út trực tiếp điều hành, chỉ đạo công việc hàng ngày của những người còn lại.
Sau khi biết các ghe đường lậu bị bắt, bà Mười Tường gọi điện chỉ đạo “đàn em” tiêu hủy giấy tờ liên quan và tìm cách giải quyết số hàng lậu bị bắt.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010-2020, bà Mười Tường trực tiếp mua đường cát từ Campuchia mang về Việt Nam bán cho 33 người tại nhiều tỉnh thành, với hơn 200.000 tấn đường cát, giá trị 2.885 tỷ đồng.
Tại tòa hôm nay, do vắng mặt một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên HĐXX đã hoãn phiên xét xử để triệu tập những người này đến tham gia phiên tòa tới.