Thống kê từ Bộ Tư pháp, trong 3 năm (2018-2020), số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất tăng khoảng 67% và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá bán của tài sản đấu giá.
Năm 2018, trong tổng số 30.182 cuộc đấu giá thành công thì có 17.710 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất (chiếm hơn 50%). Tổng giá bán của tài sản đấu giá là hơn 77 nghìn tỷ thì đấu giá quyền sử dụng đất là hơn 54 nghìn tỷ (chiếm 70%).
Năm 2019, có 29.715 cuộc đấu giá thành thì 17.257 cuộc là đấu giá quyền sử dụng đất (chiếm hơn 60%). Tổng giá bán của tài sản đấu giá là hơn 90 nghìn tỷ, trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất là hơn 65 nghìn tỷ (chiếm 72%).
Năm 2020, với 28.777 cuộc đấu giá thành thì có 14.588 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất (chiếm hơn 50%). Tổng giá bán tài sản đấu giá là hơn 103 nghìn tỷ thì đấu giá quyền sử dụng đất hơn 81 nghìn tỷ (chiếm gần 80%).
Bộ Tư pháp đánh giá, sau gần 5 năm triển khai Luật Đấu giá tài sản, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất thu về cho NSNN tương đối lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng và tài sản khác nói chung chưa phát hiện vấn đề vướng mắc lớn trong các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục đấu giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả đấu giá.
Sau vụ Thủ Thiêm, cần thẩm tra năng lực doanh nghiệp đấu giá
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đấu giá đất, đảm bảo công khai minh bạch, hiệu quả sau vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), Bộ Tư pháp đã có báo cáo kết quả rà soát quy định của pháp luật đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan.
Theo đó, Luật Đất đai, Nghị định 43/2014 và Nghị định 45/2014 đã quy định cụ thể cách thức xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất không thuộc phạm vi quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Ngoài ra, điều kiện, yêu cầu về năng lực tài chính của DN tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được quy định và thực hiện theo pháp luật về đất đai, cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.
Bộ Tư pháp cho rằng, Luật Đấu giá tài sản quy định, người tham gia đấu giá phải nộp tiền mặt trước với mức từ 5-20% so với giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Mức cụ thể do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận, quyết định. Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít DN đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.
Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng trả giá cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ trúng đấu giá, gây nhiều bất ổn cho thị trường như vụ việc đấu giá quyền sử dụng đất tại Thủ Thiêm.
Bộ Tư pháp kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên Môi trường tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, rà soát quy định giá khởi điểm, yêu cầu năng lực tài chính của DN tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền, có chế tài đối với DN trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ thành toán tiền.
Đồng thời, các tỉnh/thành chỉ đạo người có tài sản đấu giá tại địa phương tăng trách nhiệm trong việc chọn tổ chức đấu giá tài sản, phê duyệt phương án đấu giá, xác định giá khởi điểm, giám sát quá trình bán hồ sơ, thẩm tra, đánh giá các điều kiện, năng lực của người tham gia đấu giá, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Thông tin liên quan tới đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm, tại buổi họp báo chiều 7/4, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản của hai DN đề nghị phân kỳ nộp tiền sử dụng đất từ tháng 4 đến 9/2022, chia thành 6 đợt.
Dẫu vậy, các lý do, khó khăn mà DN đưa ra đều không thuộc danh mục được gia hạn nộp thuế của ngành thuế. Do vậy, nhà chức trách sẽ tiếp tục tính tiền chậm nộp và ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định quản lý thuế.
Hiện, đối với 4 lô đất đấu giá thành công tại Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh đã xin bỏ cọc. Còn lại 2 đơn vị là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất dù đã quá thời hạn 90 ngày. Hai DN này trúng thầu các lô đất và phải đóng tiền sử dụng đất lần lượt là 3.820 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng.
Trần Chung
Trùm đất Thủ Thiêm CII trở lại xu hướng giảm sau cú sốc mất 50% giá trị. Việc bị cắt margin và bị đưa vào diện cảnh báo là tin xấu tiếp theo đối với DN này. Sóng bất động sản nổi trên sàn không giúp được cổ phiếu này.