NSƯT Hương Dung tài sắc ra sao?
Năm 2023 có 77 nghệ sĩ được chính thức phong tặng danh hiệu NSND theo quyết định 724/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 22/6/2023.
Liên quan đến việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) sắp được trao tới đây, phóng viên Gia đình&Xã hội đã liên lạc với NSƯT Hương Dung, người có tên trong đợi xét tặng lần này. Chị cho biết, dù chưa nhận được quyết định chính thức về việc phong tặng NSND đợt 10 năm 2023 nhưng trong "Danh sách các cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ nhân dân theo quyết định 724/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 22/6/2023" thì có tên của chị. "Tôi đang ở nước ngoài nên cũng chưa nhận được thông báo gì, nhưng mới đây được bạn bè gửi cho xem danh sách thì thấy có tên tôi", nữ diễn viên gạo cội phim Chạy án nói.
NSƯT Hương Dung sinh năm 1960, là cái tên nổi tiếng ở cả sân khấu kịch nói lẫn truyền hình. Năm 1973, chị trúng tuyển vào Trường Sân khấu Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội). Khi là diễn viên của Đoàn kịch nội vụ năm 1985 (nay là Đoàn kịch Công an nhân dân, Bộ Công an), chị tham gia vai diễn nữ ký giả trong vở Nữ ký giả và giành Huy chương Vàng.
Chị gắn bó với Đoàn kịch Công an đến năm 1993, năm 1994 chị nghỉ hưu và bắt đầu cộng tác với Hãng phim truyền hình Việt Nam, công việc chính của chị là tổ chức sản xuất phim, làm phó đạo diễn và thỉnh thoảng đóng phim truyền hình.
Những năm 80, vẻ đẹp đậm chất điện ảnh của nghệ sĩ Hương Dung đã "lọt mắt xanh" của đạo diễn nổi tiếng Trần Phương với phim Săn bắt cướp, góp mặt cùng nhiều diễn viên nổi tiếng lúc bấy giờ như Thương Tín, Lê Khanh, Trọng Trinh... Trong phim, chị vào vai người tình của tướng cướp Bạch Hải Đường (Thương Tín thủ vai). 3 tập phim không chỉ gây "cháy vé" ở các rạp trên cả nước mà còn tạo nên tên tuổi cho các diễn viên.
Ở lĩnh vực truyền hình, vẻ đẹp đài các, sang trọng của NSƯT Hương Dung đã một thời đưa chị gắn liền với các vai diễn quyền lực. Điển hình trong số đó là vai vợ thứ trưởng trong bộ phim truyền hình đình đám Chạy án của VFC. Đây là một trong những vai diễn xuất sắc trong sự nghiệp của chị, tới mức ra đường nhiều người vẫn gọi chị là "mẹ Cao Thanh Lâm" do diễn viên Việt Anh thủ vai.
Ngoài phim Chạy án, NSƯT Hương Dung còn ghi dấu ấn với lối diễn sắc sảo, thông minh qua các phim như: Của để dành, Chủ tịch tỉnh, Cầu vồng tình yêu,... Năm 2010 chị được phong tặng danh hiệu NSƯT. Bên cạnh diễn xuất, nghệ sĩ Hương Dung còn đảm nhận công việc lồng tiếng cho các bộ phim truyền hình.
NSƯT Ngọc Huyền là một trong 3 nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ có tên trong danh sách xét tặng NSND đợt 10
Liên hệ với nghệ sĩ Ngọc Huyền để hỏi về thông tin được phong tặng NSND sắp tới đây, nữ nghệ sĩ cho biết, chị chưa nhận được quyết định chính thức. Tuy nhiên, thông tin với Gia đình&Xã hội, nghệ sĩ Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ xác nhận, đợt này Nhà hát có 3 nghệ sĩ được phong tặng NSND là: NSƯT Đức Trung, NSƯT Ngọc Huyền (đã nghỉ hưu), họa sĩ , NSƯT Đỗ Doãn Bằng – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.
Ngọc Huyền sinh năm 1962, vốn là tiểu thư Hà thành nức tiếng. Trong khi cả nhà theo nghiệp kinh doanh, riêng NSƯT Ngọc Huyền mê kịch nói. Chị bén duyên với kịch khi là một trong số hơn 2.000 thanh thiếu niên miền Bắc dự tuyển sinh đầu tiên vào Nhà hát Tuổi trẻ. Chị may mắn nằm trong nhóm 41 người được chọn. Ngọc Huyền cùng lứa với những tên tuổi thành danh từ Nhà hát Tuổi trẻ như NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh, NSƯT Chí Trung… Dấu ấn của Ngọc Huyền trên sân khấu thể hiện qua những tác phẩm như Đứa con tôi, Romeo và Juliet, Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9…
Ở tuổi hưu, NSƯT Ngọc Huyền sống cùng mẹ ruột. Chị tham gia Hội phụ nữ, các phong trào văn nghệ ở chung cư nên thấy mình sống vui, sống khỏe hơn. Cuộc sống của NSƯT Ngọc Huyền hiện tại êm đềm, bởi chị quan niệm sống vui vẻ với mọi người là hạnh phúc.
Thu Huyền - Thị Mầu làng chèo từng được đặc cách phong tặng NSƯT
Thu Huyền sinh năm 1975 tại Hà Nội trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật nhưng cô yêu hát chèo từ bé. Năm 16 tuổi (1991), Thu Huyền đạt giải đặc biệt cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ Hà Nội nhờ vai diễn Thị Mầu.
Năm 17 tuổi (1992), cô tốt nghiệp trung cấp chèo Nhà hát chèo Hà Nội và bắt đầu sự nghiệp diễn chèo của mình. Trong sự nghiệp diễn chèo của mình, cô nổi tiếng với vai diễn Thị Mầu trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính. Cô có ánh mắt được ví sắc như dao cau, răng khểnh, nốt ruồi trên khóe môi... đã góp phần đưa Thu Huyền tạo dựng nên một Thị Mầu vô cùng ấn tượng và khác biệt trong làng sân khấu.
Năm 1998, với vai Thị Mầu, Thu Huyền một lần nữa đạt giải nhất cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc. Cô còn có một số vai diễn thành công khác như: Thị Phương trong Trương Viên, cô Son trong Cô Son, Súy Vân trong Súy Vân giả dại, Hoạn Thư trong Kiều.
Năm 2007, cô được phong tặng danh hiệu NSƯT khi có 13 năm tuổi nghề, đặc cách so với tiêu chuẩn tối thiểu 15 năm hoạt động trong nghề. Tháng 3 năm 2018, Thu Huyền có trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân từ Hội đồng cơ sở là Sở Văn hóa thể thao Hà Nội. Tuy nhiên, do thiếu 1 HCV nên cô bị lỡ hẹn.
Năm 2017, Thu Huyền là Phó giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Chèo Hà Nội. Và hiện tại, chị được trao quyết định điều hành Nhà hát Chèo Hà Nội thay NSND Quốc Anh. Cùng với chồng, ca sĩ Tấn Minh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, cặp đôi Thu Huyền – Tấn Minh là một trong số ít nghệ sĩ cùng nổi tiếng và cùng đứng đầu nhà hát.
(Theo GĐXH)