Với lợi thế có hơn 305km bờ biển, thềm lục địa rộng 100.000km2, thuộc vùng biển nước sâu và là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam Bộ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu phát huy lợi thế kinh tế biển, nhằm "biến" Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển hiện đại của quốc gia.
Trong những năm qua, tỉnh luôn kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tinh thần xuyên suốt là “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh”.
Dịch vụ logistics từng bước phát triển mạnh
Từ chỗ chỉ có một vài cảng chuyên dùng phục vụ cho ngành dầu khí và đánh bắt hải sản, đến nay, dọc tuyến sông trước đây vốn là vùng đất sình lầy, ngập mặn, không có hệ thống giao thông kết nối… đến nay, đã hình thành hệ thống cảng biển tổng hợp được quy hoạch là cảng loại đặc biệt cấp quốc gia.
Tổng sản lượng hàng tàu biển thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 10%/năm. Với lượng hàng tăng trưởng liên tục, Cái Mép-Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, đã vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019.
Cùng với cảng biển, dịch vụ logistics cũng từng bước phát triển mạnh, ngoài hệ thống cảng bến thủy nội địa, đến nay đã có 20 dự án kho bãi logistics đi vào hoạt động với tổng diện tích chiếm đất khoảng 224 ha. Công tác quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Trung tâm logistics Cái Mép Hạ đã hoàn thành sẽ là cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và Cái Mép - Thị Vải nói riêng đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước; đồng thời bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, nâng cao năng lực, vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.
Để phát huy hệ thống cảng biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển với các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam. Đồng thời, để tận dụng hệ thống cảng biển, tỉnh quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 KCN, với tổng diện tích khoảng 8.510ha. Nhiều dự án đầu tư đang được triển khai gồm: Nhà máy Sản xuất PPP và kho ngầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Tổ hợp Hóa dầu miền Nam 5,4 tỷ USD; Trung tâm Điện lực Long Sơn 4,5 tỷ USD…
Là một trong những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch biển
Bên cạnh cảng biển, Bà Rịa - Vũng Tàu còn được biết là một trong những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch biển của Việt Nam...
Trong lĩnh vực phát triển du lịch biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 3 khu du lịch biển nổi tiếng cả nước và thế giới, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách, đó là thành phố Vũng Tàu, Long Hải và Côn Đảo. Đặc biệt, Côn Đảo với lợi thế là một hòn đảo có điều kiện sinh thái còn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang huy động các nguồn lực để phát triển Côn Đảo thành khu du lịch quốc gia đặc sắc mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Tỉnh đang đặt ta quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung chủ yếu vào 5 trung tâm du lịch và vùng du lịch được xác định là thành phố Vũng Tàu, cụm du lịch Long Hải - Phước Hải, cụm du lịch Núi Dinh - Bà Rịa, cụm du lịch Bình Châu - Hồ Tràm và cụm du lịch Côn Ðảo...
Bên cạnh việc tăng cường công tác rà soát các dự án du lịch chậm triển khai, mời gọi các nhà đầu tư có đẳng cấp vào đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mặt khác, để đánh thức tiềm năng du lịch biển và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng tuyến đường ven biển nối thành phố Vũng Tàu với các huyện Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Xuyên Mộc và với tỉnh Bình Thuận dài hàng chục km, đi qua các làng chài, vốn nhiều đời chỉ quen nghề đánh bắt thủy, hải sản. Nhờ đó, hàng loạt nhà đầu tư các dự án du lịch lớn đã tìm về đây, trong đó có không ít dự án có số vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD, có tính dẫn dắt, định vị thương hiệu du lịch biển Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phú Mỹ