Người đàn ông 57 tuổi (trú tại Yên Bái) được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn.
Theo con trai của bệnh nhân, hằng ngày ông và một người khác mổ lợn để bán. Ngày 15/6, 3 giờ sau khi đi làm về nhà, bệnh nhân bị sốt nhẹ, tăng huyết áp, sau đó lại tụt, vài giờ sau toàn thân phát ban. Gia đình đưa ông đến bệnh viện huyện rồi chuyển lên tỉnh và tuyến trên.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi liên cầu lợn. Từ 2h sáng 17/6, ông xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử trên da tăng nhanh kèm theo suy hô hấp được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân xuất huyết hoại tử toàn thân, mặt, suy đa cơ phủ tạng, tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu…
Bác sĩ Phúc cho biết thêm gần Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch, suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu nghiêm trọng. Có những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng phải cắt bỏ đầu ngón tay hoặc ngón chân.
Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Liên cầu khuẩn truyền sang người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt, tiết canh lợn bệnh.
Bệnh nhân có triệu chứng sốt, nhức đầu, nôn, cứng gáy, rối loạn tri giác, ù tai, điếc tai. Trường hợp nặng có thể tiến triển nhanh chóng hội chứng sốc nhiễm khuẩn, trụy mạch, tụt huyết áp, rối loạn đông máu nặng, ban xuất huyết hoạt tử toàn thân, tắc mạch, suy đa phủ tạng, hôn mê và tử vong.
Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Phúc khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn. Không ăn lợn chết, các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Sử dụng các trang bị bảo hộ khi giết mổ, chế biến thịt lợn sống.