Phiên xét xử Trương Mỹ Lan và các đồng phạm hôm nay tiếp tục phần xét hỏi đối với nhóm tội danh “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước câu hỏi của chủ tọa về nguồn tiền chuyển đi nước ngoài từ đâu, bà Lan khai đó là tiền từ nước ngoài cho vay từ trước.

Theo bà Lan, bằng quan hệ và uy tín cá nhân đã thuyết phục được các đối tác nước ngoài cho vay tiền để thực hiện các dự án ở Việt Nam. Các đối tác không đòi hỏi điều kiện hay thủ tục gì mà sẵn sàng cho vay trong thời gian ngắn (3 đến 6 tháng).

W-truongmylan1.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: MĐ

“Người ta chịu cho vay là mừng lắm rồi, nếu mình sử dụng sai mục đích thì đối tác nước ngoài sẽ đòi lại tiền nên bị cáo không nghĩ các hợp đồng vay là các hợp đồng khống, hợp đồng giả cách”, bà Lan giải thích về việc chỉ đạo thuộc cấp lập các hợp đồng khống.

Cũng theo bà Lan, để tiền được chuyển về Việt Nam phải trải qua quá trình kiểm soát rất khắt khe từ phía cơ quan nhà nước. Ngoài ra, bà Lan khẳng định bản thân không trực tiếp thực hiện hợp đồng mà chỉ lên kế hoạch về dòng tiền. “Bị cáo chỉ biết rằng khi cần tiền thì sẽ nhận được tiền, còn quy trình, trình tự thủ tục bị cáo không biết”, bà Lan nói.

HĐXX đặt câu hỏi có ý kiến gì về việc các cựu lãnh đạo SCB làm sai quy trình để giúp bị cáo nhận tiền và chuyển tiền thông qua hệ thống Ngân hàng SCB, bà Lan trả lời: “Chuyển tiền đi nước ngoài không liên quan đến Vạn Thịnh Phát, công ty không hề tham gia. Bị cáo chỉ biết lãnh đạo SCB nói cần tiền gấp để trang trải chi phí, bị cáo sẽ nhờ nước ngoài cho vay. Các bị cáo trong nhóm tội vận chuyển tiền trái phép qua biên giới khai không sai, bị cáo xin nhận trách nhiệm về việc này".

W-bicao.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: MĐ

Thừa nhận tội trạng như truy tố, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) khai, từ tháng 12/2013-7/2020, bị cáo đã ký duyệt 20 lệnh chuyển tiền ra nước ngoài, với tổng số tiền 516 triệu USD, tương đương 11.998 tỷ đồng.

Cũng theo lời khai của Văn, quá trình phê duyệt chuyển tiền ra nước ngoài không thấy hồ sơ nào có ghi chú thiếu hồ sơ để bị cáo cân nhắc. Bị cáo cũng khẳng định mình phê duyệt theo thẩm quyền, không có ai chỉ đạo.

“Quá trình làm việc với CQĐT, bị cáo không hiểu tại sao lại như vậy, cho tới khi được giải thích việc chuyển tiền liên quan đến khoản vay của Vạn Thịnh Phát ở nước ngoài. Vì trước đó có Thanh tra giám sát, không phát hiện sai phạm gì liên quan chuyển tiền đi nước ngoài nên bị cáo rất yên tâm ký duyệt, không ngờ lại sai phạm”, bị cáo Văn trần tình.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến 2022, mỗi khi cần sử dụng tiền chuyển đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, Trương Mỹ Lan giao cho Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) phối hợp với các thuộc cấp lập các hợp đồng khống mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài (đều là các công ty ma thuộc quản lý, điều hành của các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Từ các hợp đồng khống này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống SCB.

Tổng số Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là 4,5 tỷ USD, tương đương hơn 106.000 tỷ đồng.