Toà án Nhân dân TPHCM vừa có quyết định đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” với bà Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm ra xét xử. Đây là giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Phiên tòa dự kiến diễn ra từ 19/9-19/10.
Đồng loạt báo lỗ triền miên
Một số doanh nghiệp liên quan tới bà Trương Mỹ Lan vừa có báo cáo tình hình tài chính gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hầu hết báo lỗ trong nửa đầu năm 2024, trong đó có Công ty Bông Sen, Setra, Quang Thuận.
Cụ thể, CTCP Bông Sen trong 6 tháng đầu năm 2024 lỗ 401 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước, tương đương trung bình mỗi ngày lỗ hơn 2,2 tỷ đồng. Trong kết luận của cơ quan điều tra, Bông Sen Corp. nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Công ty Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
CTCP Bông Sen sở hữu nhiều khách sạn, nhà hàng hạng sang, trong đó có Khách sạn Daewoo Hà Nội nằm ở vị trí đắc địa, trung tâm cửa ngõ phía tây của TP Hà Nội với hơn 400 phòng. Đây là một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội, được xây năm 1996, từng đón cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton (năm 2000) và các nguyên thủ khác.
Trong phiên xét xử ngày 15/3, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị bán khách sạn Daewoo và nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, CTCP Bông Sen của gia đình bà chiếm 93,6% cổ phần tại khách sạn Daewoo Hà Nội, còn gia đình bà có cổ phần chi phối tại CTCP Bông Sen.
Bông Sen Corp. là một cái tên có tiếng trên thị trường bất động sản phía nam khi sở hữu hàng loạt nhà hàng, khách sạn ở những khu vực “đất vàng” tại trung tâm TPHCM như Khách sạn Bông Sen Sài Gòn (117-123 Đồng Khởi), Khách sạn Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Khách sạn 2 sao Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng), nhà hàng Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Vietnam House, Buffet Gánh Bông Sen, bánh Brodard với hệ thống 18 cửa hàng, lữ hành Lotus Tours...
Mặc dù sở hữu nhiều đất vàng nhưng Bông Sen có kết quả kinh doanh yếu kém. Trong năm 2023, Bông Sen lỗ 668 tỷ đồng. Con số lỗ năm 2022 là gần 479 tỷ đồng và năm 2021 cũng thua lỗ.
Trong báo cáo tài chính gửi HNX, CTCP Dịch vụ - Thương mại TPHCM (Setra - STRC) báo lỗ gần 115 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, so với mức lỗ hơn 273 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, STRS lỗ gần 220 tỷ đồng, còn năm 2022 lỗ gần 479 tỷ đồng.
STRC được biết đến là một trong 4 doanh nghiệp nổi bật liên quan đến Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, với lượng trái phiếu phát hành lớn.
Tính tới giữa năm 2024, STRC còn phải trả hơn 3.382 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 7.419 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn rất lớn so với vốn chủ sở hữu hơn 409 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu còn hơn 1.998 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp khác cũng liên quan tới bà Trương Mỹ Lan là CTCP Quang Thuận (QTIC) báo lỗ gần 339 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, so với mức lỗ hơn 641 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo cơ quan điều tra, Setra cùng 3 công ty khác trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, CTCP Đầu tư Quang Thuận đã huy động một lượng trái phiếu khủng. Số tiền này được bà Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành, dẫn đến mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
3 đơn vị nợ hơn 14.000 tỷ đồng trái phiếu, chậm thanh toán
Cũng theo báo cáo gửi HNX, CTCP Quang Thuận có tổng nợ phải trả tính tới cuối tháng 6/2024 là 8.875 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ trái phiếu khoảng 7.500 tỷ đồng so với vốn chủ sở hữu hơn 1.374 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm nay, Quang Thuận đã chậm trả lãi và phạt với 60 lô trái phiếu (mỗi lô giá trị 100 tỷ đồng). Tổng tiền lãi và phạt là gần 16,86 tỷ đồng/lô, tương đương khoảng 1.010 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn vốn và “đang lên phương án xử lý”.
Đây là các lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm, có tài sản đảm bảo, được phát hành ngày 31/8/2020 do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp. Lãi suất được đưa ra 11%/năm và có hạn trả lãi định kỳ 6 tháng một lần.
Với Setra, trong 6 tháng đầu năm 2024, công ty đã chậm trả lãi kỳ thứ 3 liên tiếp (gồm kỳ 5 ngày 28/2/2023, kỳ 6 ngày 31/8/2023 và kỳ 7 ngày 29/2/2024) cùng lãi phạt kỳ 5 và kỳ 6 đối với tổng cộng 20 lô trái phiếu (mỗi lô giá trị 100 tỷ đồng). Tổng tiền lãi và phạt là gần 16,86 tỷ đồng/lô, tương đương khoảng 337 tỷ đồng.
Lý do chậm thanh toán là do Setra chưa thu xếp được nguồn thanh toán và tổ chức phát hành đang xử lý tài sản để thanh toán gốc lãi.
Tính tới cuối tháng 6/2024, Bông Sen có tổng nợ phải trả khoảng gần 8.370 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.790 tỷ đồng nợ trái phiếu, so với vốn chủ sở hữu 5.264 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2023, Bông Sen có lô trái phiếu BSECH2126003 phải thanh toán gốc là 4.800 tỷ đồng và số tiền lãi và phạt là hơn 1.061 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bông Sen đã chậm/không thanh toán gốc, lãi vì “tài khoản bị phong tỏa”.
Đây là khoản huy động được phát hành từ tháng 10/2021, có tài sản đảm bảo, do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp. Lãi suất được đưa ra 10,5%/năm, hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Lô này có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 15/10/2026.
Tân Việt cũng chính là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông - doanh nghiệp liên quan đến bà Trương Mỹ Lan.
Để khắc phục hậu quả của vụ án Vạn Thịnh Phát, theo nghị quyết ĐHCĐ của Bông Sen hôm 30/8/2023, đại hội cổ đông bất thường đã thông qua phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công an.
Đại hội cũng thông qua việc xử lý tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành. Các tài sản bao gồm: phần góp vốn của bà Trần Thi Phơ; cổ phần Công ty Daeha; hồ sơ thế chấp một loạt tài sản là bất động sản (tại 56-66 Nguyễn Huệ - Khách sạn Palace; 61-63 Hai Bà Trưng - Khách sạn Bông Sen 2; số 5 Nguyễn Thiệp, 93-95-97 Đồng Khởi... ).
Tại đại hội, Chủ tịch Bông Sen Corp. Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, trong các tài sản mà Bông Sen đưa vào để làm tài sản đảm bảo tại hồ sơ phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo là cổ phần tại CTCP Daeha. Đây là cổ phần sở hữu thuộc CTCP Hợp Nhất 1 và Bông Sen có sở hữu cổ phần chi phối tại công ty này.