Phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, những năm tới đây, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung đầu tư vào 3 lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và hậu cần nghề cá nhằm góp phần đưa kinh tế biển của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.

Quảng Ngãi có bờ biển dài khoảng 130km. Trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kinh tế biển chiếm một phần quan trọng. Toàn tỉnh có hơn 4 nghìn tàu cá đánh bắt xa bờ, tập trung ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

khai thac hai san hoang mai.jpg
Khai thác thủy sản của tỉnh Quảng Ngãi bước đầu đã chuyển từ truyền thống sang nghề cá hiện đại, sản lượng khai thác thuỷ sản hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. (Ảnh minh hoạ)

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhìn chung lĩnh vực phát triển thủy sản của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, nhận thức của cán bộ quản lý và người dân về lĩnh vực kinh tế biển được nâng lên; nhiều hình thức, phương thức sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản bước đầu đã chuyển từ truyền thống sang nghề cá hiện đại, có ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng, có giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo mặt chuyển biến tích cực trong lĩnh vực sản xuất thủy sản.

Lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển, sản lượng khai thác thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, nhờ ngư dân mạnh dạn nâng cấp cải hoán tàu cá, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại và áp dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt đã đem lại hiệu quả, nên sản lượng đánh bắt liên tục tăng.

Tính đến thời điểm này, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước đạt 273.404,06 tấn (tăng 4.772,01 tấn so với năm 2022), đạt 103,17% so với kế hoạch năm 2023.

Hoạt động khai thác thuỷ sản được chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, phát triển đội tàu cá vỏ thép và vỏ vật liệu mới.

Thực hiện việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), tính đến thời điểm này đã hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tất cả tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,15%, số còn lại l tàu đang nằm bờ, tàu có công suất nhỏ, hoạt động gần bờ.

Bên cạnh việc phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, những năm qua, Quảng Ngãi cũng đã đẩy mạnh đầu tư, chuyển đổi cơ cấu nghề nuôi trồng thuỷ sản và đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao sản lượng thu hoạch.

Ước tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích thả nuôi là 1.374,4 ha, giảm 9,2% so với năm 2022, tuy nhiên, sản lượng thu hoạch lại tăng 28,3% so với năm 2022, đạt là 11.291,6 tấn.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Quảng Ngãi cho biết: Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 36, Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.

Theo đó, thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung vào 3 vấn đề lớn đó là: Đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Đối với việc đánh bắt thuỷ sản thì tỉnh sẽ tập trung khai thác nguồn lợi thuỷ sản xa bờ có giá trị gia tăng cao nhưng không vi phạm pháp luật, đặc biệt là việc tuân thủ quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Để thực hiện điều này thì bên cạnh việc củng cố lại những đội tàu cũ, hiện Quảng Ngãi còn tăng cường đầu tư thêm các đội tàu lớn mạnh có khả năng đánh bắt tốt hơn để phục vụ cho nghề đánh bắt xa bờ nhằm nâng cao giá trị khai thác, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng thuỷ sản chất lượng cao.

“Chúng tôi đã nêu rất nhiều nội dung cụ thể và tỉnh Quảng Ngãi sẽ ban hành cơ chế chính sách để hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi từ đánh bắt theo số lượng chuyển sang đánh bắt có chất lượng.

Đồng thời, trong giai đoạn tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ cho dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây là một trong những ngành có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi ích lớn cho người dân Quảng Ngãi, đặc biệt là những người làm nghề thuỷ sản.

Đối với nuôi trồng, chúng tôi sẽ quy hoạch lại các vùng nuôi trồng phù hợp với từng vùng, từng địa phương để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản ngày càng mạnh và có giá trị gia tăng cao cho người dân”, ông Minh nói.

Ngoài ra, ông Minh cho biết thêm, để phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề, tỉnh sẽ đầu tư vào các cơ sở chế biến, đặc biệt là các cảng cá, phục vụ nhu cầu dịch vụ của người dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác thuỷ sản khi ngư dân vào bờ tạo giá trị gia tăng tại địa phương.

Đây cũng là một trong những tiêu chí để Quảng Nam ngành chế biến thuỷ sản trong tỉnh đáp ứng được tiêu chuẩn hàng xuất khẩu v nguồn gốc, xuất xứ, nhất là đối với thị trường xuất khẩu sang EU.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, nhiều năm qua, thành phố Quảng Ngãi đã tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân vay vốn giải quyết việc làm như: cho vay vốn nuôi tôm, vay vốn đóng tàu cá phục vụ khai thác xa bờ tại các xã ven biển… Nhiều dự án đã phát huy hiệu hiệu quả cao sau quá trình đầu tư. Nhiều ngư dân đã mạnh dan đầu tư, nâng cấp, đóng mới nhiều tàu cá có công suất lớn, trang bị các thiết bị khai thác hàng hải, thông tin liên lạc ngày càng hiện đại như: máy dò ngang, máy ra đa, định vị, thông tin liên lạc tầm xa, … nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, tăng hiệu quả sản xuất cũng như trong công tác phòng chống thiên tai.

Việc đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ có tổ chức với cơ cấu thuyền nghề hợp lý như giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90CV, tăng tần số tàu có công suất từ 400CV trở lên.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, thời gian qua tuy gặp không ít khó khăn do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nuôi tôm,… nhưng lĩnh vực này cũng mang lại giá trị kinh tế cao trong những năm gần đây nhờ thay đổi chuyển từ nuôi tôm sú năng suất thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng năng suất cao; chuyển từ nuôi tôm độc canh sang nuôi tôm xen ghép cua, cá…, một số mô hình triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và hiện đã được đưa vào nuôi ở một số địa phương như: Nuôi cá măng, nuôi cá đối kết hợp với tôm sú, nuôi cá chẽm,… Đồng thời áp dụng khoa học công nghệ sinh, hóa học vào nuôi trồng thủy sản.

Phân bổ hơn 46,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển khai thác, nuôi trồng hải sản trên biển

Tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định phân bổ hơn 46,5 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. 

Theo đó, kinh phí thuộc ngân sách Trung ương hơn 37,2 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 9,3 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ chi phí nhiên liệu đi và về sau mỗi chuyến khai thác hải sản đối với 413 tàu cá đảm bảo điều kiện theo quy định là hơn 45,8 tỷ đồng; còn lại 636,582 triệu đồng hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên cho 119 tàu cá.

Bạch Hân và nhóm PV, BTV