Nhận định trên vừa được ông Lê Quang Hà, Giám đốc sản phẩm, chuyên gia an toàn thông tin của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) chia sẻ tại phiên chuyên đề về “Các khía cạnh pháp lý trong phòng chống tội phạm mạng” của hội thảo diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về chống việc sử dụng CNTT-TT vào mục đích tội phạm.
An ninh mạng được ưu tiên hàng đầu
Diễn ra dưới hình thức trực tuyến trong các ngày từ 23 – 26/4, hội thảo ARF về chống việc sử dụng CNTT-TT vào mục đích tội phạm do Việt Nam, Nga và Trung Quốc đồng chủ trì. Đây là dịp để giới thiệu về những thành quả, kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực an ninh mạng; đồng thời tranh thủ thông tin và thực tiễn hợp tác của các nước bạn, cũng như tìm kiếm cơ hội, khả năng hợp tác.
Gồm 4 phiên tập trung vào những chủ đề “Hình sự hóa và phòng chống tội phạm”, “Các khía cạnh pháp lý trong phòng chống tội phạm mạng”, “Hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng” và “Thực tiễn điều tra quốc gia và xuyên biên giới”, hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ ngành liên quan, các công ty CNTT, nhiều chuyên gia, học giả.
Ông Lê Quang Hà, Giám đốc sản phẩm, chuyên gia an toàn thông tin của Viettel Cyber Security trình bày tham luận tại phiên 2 của hội thảo vào ngày 26/4. |
Góp mặt tại phiên 2 của hội thảo, đại diện cho phía doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) là Giám đốc sản phẩm Lê Quang Hà đã có tham luận về những giải pháp công nghệ chống lại tội phạm mạng và giữ vững an ninh thông tin không chỉ cho quốc gia mà còn vươn tầm bảo vệ khu vực và quốc tế.
Ông Lê Quang Hà cho hay, công cuộc chuyển đổi số quốc gia cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đột phá đã và đang mang lại lợi ích to lớn cho đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, công nghệ cao khi rơi vào tay kẻ xấu lại trở thành công cụ hữu hiệu cho hành vi phạm tội. Tại Việt Nam, tình hình an ninh mạng trở nên phức tạp, là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Có thể kể đến một số hình thức tấn công mạng chủ yếu tại Việt Nam như tấn công Phishing (tấn công lừa đảo), tấn công web, tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).
Trong bối cảnh đó, Viettel Cyber Security và các tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin khác đã phát triển nhiều giải pháp phù hợp để ngăn chặn và xử lý các vấn đề tương ứng. Tiêu biểu như giải pháp SOC (Security Operation Center) với 3 mức độ đảm bảo an toàn: Mức độ 1 - Phòng chống chuyên sâu; Mức độ 2 - Phân tích nâng cao; Mức độ 3 - Vận hành và quản lý. SOC là sự kết hợp của con người, quá trình và công nghệ lõi đột phá để tối ưu hóa hiệu quả đảm bảo an toàn thông tin cho cơ quan và tổ chức.
Phòng chống tội phạm mạng cần sự hợp tác, kết nối toàn cầu
Trong tham luận tại hội nghị, chuyên gia Lê Quang Hà nhận xét rằng cùng với sự phát triển chung của ngành ICT thế giới, tội phạm mạng không ngừng thay đổi, nâng cấp trong chiến thuật, kỹ thuật cũng như công cụ, phương thức tấn công ngày một tinh vi.
Nếu như trước đây, các hình thức tấn công Phishing vào tổ chức tài chính ngân hàng thường gửi link website giả mạo đến người dùng qua tin nhắn với đầu số lạ thì hiện tại tin tặc đã nâng cấp sử dụng cả những thiết bị chuyên dụng như BTS giả để giả mạo đầu số từ ngân hàng. Từ đó, tăng tỷ lệ lừa đảo thành công.
Trên thế giới, không ít trường hợp tội phạm mạng đã sử dụng cả công nghệ đột phá như AI, Machine Learning và cả Deep Learning phục vụ các chiến dịch tấn công lớn.
Đơn cử như, trong một cuộc tấn công vào 1 công ty năng lượng có trụ sở ở Anh, nhóm tin tặc đã sử dụng AI giả mạo giọng nói của lãnh đạo để gọi điện cho CEO yêu cầu chuyển tiền, gây thiệt hại khoảng 250.000 USD.
“Đây là thách thức lớn cho những người làm an toàn thông tin và các tổ chức doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số”, ông Lê Quang Hà nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, con người, đội ngũ chuyên gia giỏi là một trong ba yếu tố có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến với tội phạm mạng. |
Vị chuyên gia của Viettel Cyber Security chia sẻ thêm, trong cuộc chiến với tội phạm mạng, 3 yếu tố quyết định là con người, “vũ trang” và thông tin.
Theo đó, đội ngũ chuyên gia cần giỏi kỹ năng, kiến thức, tư duy. “Vũ trang” là công cụ, công nghệ đủ mạnh để phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm nhập trái phép. Thông tin cần đủ nhanh, chính xác và phù hợp hay chính là “Threat Intelligence” (thông tin về các nhóm APT mới, kỹ thuật, công cụ mới...) để kịp thời phòng chống. Cuối cùng là sự hợp tác giữa các đơn vị trong việc chia sẻ thông tin, điều tra truy vết, gỡ bỏ các hạ tầng tấn công và cùng tuyên truyền lên án, nâng cao ý thức đẩy lùi tội phạm mạng trên phạm vi toàn cầu.
“Đảm bảo an toàn thông tin và phòng chống tội phạm mạng không phải công việc của riêng từng quốc gia, khu vực mà thật sự cần hợp tác, kết nối toàn cầu. Bởi vậy, các doanh nghiệp an toàn thông tin nội địa cũng phải vận động, nâng cấp bản thân, tăng tính cạnh tranh và năng lực xứng tầm quốc tế”, chuyên gia Viettel Cyber Security nêu quan điểm.
Trước đó, bàn về yếu tố công nghệ, trao đổi với ICTnews, đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho rằng, tội phạm mạng sử dụng AI là xu hướng thì lực lượng làm an toàn thông tin cũng phải sử dụng AI để phát triển những hệ miễn dịch, các hệ thống tự phản ứng, tự phòng vệ.
"Đây là một cuộc đối đầu, chạy đua về mặt công nghệ, kỹ thuật không có hồi kết. Thay vì việc bị động phòng thủ thì có thể xác định tâm thế chủ động ứng phó với mục tiêu phát hiện và đối phó sớm nhất với các vụ tấn công mạng. Thậm chí, đặt mình vào góc nhìn của một hacker để xem xu hướng tấn công, công cụ, chiến thuật nhằm phát triển cho phù hợp và kịp thời", đại diện NCSC chia sẻ.
M.T
Dịch Covid-19, nhiều tội phạm mạng nhắm vào bệnh viện, công ty bảo hiểm y tế
Theo nghiên cứu của Fortinet, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, nhiều chiến dịch lừa đảo mà đội ngũ bảo mật thông tin đã phải đối mặt đều nhắm vào các bệnh viện, nhà sản xuất thiết bị y tế và các công ty bảo hiểm y tế.