Ngày 19/5, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang trước mắt chỉ đạo ngay các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thiết lập đường dây nóng để kịp thời tư vấn, tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân đang hoặc sẽ có quan hệ giao dịch với ngân hàng.
Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích khách hàng ưu tiên lựa chọn sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian này.
Trước đó, từ ngày 13/5, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các huyện của Bắc Giang đều đã được bố trí máy tính, công chức một cửa trực tiếp hướng dẫn tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, phòng chống Covid-19, Bắc Giang và nhiều địa phương đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp dùng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. (Ảnh: bacgiang.gov.vn). |
Ngoài ra, tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa các huyện, còn bố trí màn hình giới thiệu các dịch vụ công trực tuyến để người dân trong khi chờ đợi giải quyết thủ tục hành chính có thể nắm được thông tin.
UBND các xã, phường, thị trấn cũng được yêu cầu đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, chứng thực bản sao điện tử, đồng thời tổ chức hướng dẫn, tập huấn cán bộ, công chức, viên chức biết cách truy cập, thực hiện các thao tác giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công tỉnh Bắc Giang.
Tại Hà Nội, để đảm bảo chủ động phòng chống dịch Covid-19, ngày 17/5, lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn người dân cân nhắc thời điểm yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính; ưu tiên thực hiện qua mạng thông qua dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố.
Cùng với đó, khai thác các kênh thông tin như Cổng thông tin điện tử của đơn vị, của Thành phố và Chính phủ; tổng đài điện thoại; loa truyền thanh; mạng xã hội hoặc những công cụ khác phù hợp quy định để công dân đặt lịch hoặc xếp số thứ tự, hướng dẫn hồ sơ và hẹn thời gian tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả.
Các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thị xã trên địa bàn Thủ đô cũng cần phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Thành phố Hà Nội, các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân qua hệ thống bưu chính với những thủ tục không bắt buộc công dân đến nộp và nhận trực tiếp trong thời gian phòng, chống dịch. Mục đích để hạn chế thấp nhất số lượng công dân đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận một cửa.
Với Bắc Ninh, ngay từ ngày 6/5, thời điểm số ca mắc mới Covid-19 trong đợt dịch thứ tư dịch bùng phát của tỉnh này còn dưới 10 ca, lãnh đạo UBND tỉnh đã khuyến khích các cơ quan, đơn vị tổ chức họp trực tuyến, làm việc qua mạng Internet, với yêu cầu kèm theo là công việc phải đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Theo chỉ thị về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo hạn chế việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận một cửa, trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Đồng thời, tăng cường tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến; không giải quyết thủ tục hành chính với các trường hợp không đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, cùng với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội đã triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch như: ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, các ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD, ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI, hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng qua mã QR Code, bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19…
Vân Anh
Công nghệ "xông trận" chống dịch ở Bắc Giang
Hội chẩn bệnh từ xa, vận hành thi trực tuyến cho học sinh, đẩy mạnh hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang là những giải pháp công nghệ giúp Bắc Giang duy trì hoạt động khi dịch Covid-19 bùng phát.