Năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 19 xã thuộc 7 huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đến tháng 8/2022, Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí Tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia, trong đó có các nội dung liên quan đến xã nông thôn mới nâng cao. Theo hướng dẫn, một số tiêu chí khá “ngặt nghèo” khiến các địa phương khó thực hiện. 

Hướng dẫn nêu rõ, để đánh giá địa phương có mô hình phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả, yêu cầu tiêu chí Tiếp cận thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật năm 2022 phải đạt điểm số tối đa. Địa phương sử dụng kết quả chấm điểm tiêu chí Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2021 làm cơ sở đánh giá. Rất tiếc, tiêu chí của năm trước lại không đạt điểm số tối đa. Các xã đăng ký nông thôn mới nâng cao đều gặp vướng mắc chung này. 

Đảm bảo giữ vững và nâng cao chỉ tiêu, nhiệm vụ của các tiêu chí trong thực hiện tại địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp yêu cầu trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, địa phương phải có mô hình điển hình phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng giấy khen, bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác. Thực tế, những năm trước, các địa phương chỉ có tập thể, cá nhân được khen thưởng trong công tác tư pháp, chưa có hình thức khen thưởng mô hình cụ thể. 

Để tháo gỡ nút thắt này trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Sở Tư pháp cùng cơ quan chuyên môn các huyện thường xuyên nắm bắt, kịp thời hỗ trợ các địa phương.

Đầu tiên là việc xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cơ bản trùng với thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Do vậy, các địa phương đã sử dụng kết quả chấm điểm tiêu chí Tiếp cận thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật năm nay để đánh giá. 

Thứ hai, qua khảo sát, nhiều địa phương đã bảo đảm về điểm số theo quy định. Các địa phương cũng chủ động xây dựng, nhân rộng và đề nghị khen thưởng mô hình tiêu biểu. Sở Tư pháp gợi ý, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số mô hình như “Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố”; “Huy động già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tuyên truyền pháp luật”; “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”...

Thứ ba, trong trường hợp địa bàn xã có người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý nhưng không có yêu cầu trợ giúp thì tỷ lệ vẫn được tính tối đa để không ảnh hưởng đến tổng thể chung. 

Sở Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt việc xây dựng, đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; giữ vững và nâng cao các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các tiêu chí. Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả, sự tác động của công tác này đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân.

 Quỳnh Nga