Trao đổi với VietNamNet chiều 24/9, đại diện bệnh viện cho biết, cả 4 trường hợp trên đều là người trung tuổi, trú tại một số huyện thuộc Bắc Giang như Tân Yên, Yên Dũng,…

Họ nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài, có người sốt cao, rét run lai rai cả tháng chưa dứt. 2 bệnh nhân trong số này đã diễn tiến nặng, trong đó 1 người rơi vào trạng thái sốc, phải nằm hồi sức tích cực ngay khi vào viện.

Sau khi sàng lọc loại trừ Covid- 19, bệnh nhân tiếp tục được thăm khám cơ bản như xét nghiệm máu, chụp phổi, siêu âm,… Bác sĩ chỉ định cấy máu, kết quả phát hiện 4 người này nhiễm trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei, là vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người già. Người lao động chân tay, nông dân, người thường xuyên tiếp xúc với bùn, đất và môi trường nước nhiễm bẩn là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc Whitmore cao nhất.

Ngoài ra, nhóm người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, gout, người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ung thư phải dùng hóa chất, bệnh nhân phải dùng corticoid kéo dài,... cũng dễ mắc bệnh, có nguy cơ diễn tiến nặng.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua da, vết thương hở trên da, niêm mạc, do con người tiếp xúc với đất, bùn đất, nước nhiễm bẩn có chứa vi khuẩn. Tỷ lệ lây nhiễm ít hơn do hít phải các bụi đất, giọt nước li ti bay trong không khí có chứa vi khuẩn. Các giả thuyết lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người hiện có bằng chứng cụ thể.

{keywords}
Một phụ nữ trung tuổi mắc bệnh Whitmore đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang - Ảnh: BVCC

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore rất đa dạng, từ sốt, các ổ viêm nhiễm khu trú trên da, viêm tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), viêm phế quản phổi, viêm đường tiết niệu, viêm thận hoặc nặng hơn nữa là các áp xe ở 1 số tạng như gan, thận, phổi,... Những thể bệnh này thường kéo dài, dễ bỏ sót do nhầm với các bệnh khác.

Khi đến viện, nhiều trường hợp vì thế đã ở trong tình trạng rất nặng như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Hiện chưa có vắc xin phòng vi khuẩn gây bệnh Whitmore. Tuy nhiên, bệnh này có thuốc kháng sinh điều trị đặc hiệu, có thể chữa khỏi khi phát hiện kịp thời.

Để phòng bệnh Whitmore, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên lưu ý vấn đề vệ sinh và an toàn lao động; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn. Khi làm việc ở môi trường nguy cơ cao, cần sử dụng đồ bảo hộ như ủng, găng tay và băng vết thương ở vị trí da trầy xước (nếu có).

Trường hợp không may tiếp xúc môi trường nhiễm bẩn khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần lập tức sơ cứu, sát khuẩn đúng quy trình, tránh phát triển thành bệnh. Những người có bệnh nền cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, do bệnh Whitmore không có biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn đầu, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác nhau, ngay khi có biểu hiện bất thường về sức khỏe như viêm tấy, sốt,…người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Nguyễn Liên

Thanh Hóa ra công văn khẩn phòng bệnh Whitmore

Thanh Hóa ra công văn khẩn phòng bệnh Whitmore

Sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương về 2 ca bệnh Whitmore, Sở Y tế Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh do vi khuẩn ăn thịt người này gây ra.