Theo thông tin trên cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Trung Quốc Qichacha, Tập đoàn phát triển Zhongguancun thuộc sở hữu nhà nước đã thành lập Quỹ đầu tư ngành công nghiệp mạch tích hợp Bắc Kinh, với số vốn đăng ký là 8,5 tỷ nhân dân tệ (1,2 tỷ USD).
Zhongguancun là công ty thành lập năm 2010 và quỹ này sẽ được điều hành bởi một công ty con với tên đăng ký là Beijing Zhongguancun Capital Fund Management.
Quỹ mới của Bắc Kinh sẽ tham gia vào loạt sáng kiến của chính quyền địa phương nhằm củng cố lĩnh vực bán dẫn quốc gia, đáng chú ý là “Quỹ lớn” (Quỹ đầu tư ngành công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc).
Vào tháng 5, “Quỹ lớn” của Trung Quốc đã bước sang giai đoạn thứ ba, với số vốn đăng ký là 344 tỷ NDT, trở thành quỹ đầu tư chip lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia này, gần ngang bằng với 53 tỷ USD ưu đãi theo Đạo luật Chip và Khoa học được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật vào năm 2022.
Giới phân tích kỳ vọng “Quỹ lớn III” sẽ tạo ra cú hích đối với các doanh nghiệp trong ngành, từ các nhà cung cấp thiết bị, vật liệu cho đến quy trình đóng gói tiên tiến.
Trong khi đó, Thượng Hải cũng đã bơm gần 1 tỷ USD vào Quỹ đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn Thượng Hải, sau khi thành lập Quỹ công nghiệp mạch tích hợp trị giá 45 tỷ NDT hồi tháng 7.
Các khoản trợ cấp của chính phủ cho các công ty bán dẫn ở Trung Quốc đã tăng vọt khi chính quyền trung ương tăng gấp đôi nỗ lực tự cung tự cấp. Theo phân tích của SCMP, nguồn tài trợ công cho 25 công ty chip hàng đầu của đất nước đã tăng 35% lên 20,53 tỷ NDT vào năm ngoái so với năm 2022.
Theo báo cáo được công bố đầu tháng này bởi Information Technology and Innovation Foundation (ITIF), tổ chức nghiên cứu trụ sở tại Washington, các khoản trợ cấp lớn của nhà nước đã góp phần vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, nhưng cũng dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất.
Trong khi đó, SMIC - hãng đúc chip lớn nhất đại lục, vẫn tụt hậu gần 5 năm so với TSMC, ITIF cho biết.
(Theo SCMP, Yahoo Tech)