Nhận thức tầm quan trọng này, huyện Đông Hải đã xác định phải nỗ lực, khẩn trương thực hiện chiến lược CĐS, trước hết là tạo được những chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Cả hệ thống chính trị chủ động vào cuộc
Từ thực trạng hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) nói chung, hạ tầng số nói riêng còn khá yếu, ngay khi bắt tay thực hiện chiến lược CĐS, huyện Đông Hải đã luôn trong tâm thế chủ động, khẩn trương. Theo đó, huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo CĐS của huyện, thành lập Tổ giúp việc triển khai các nhiệm vụ tại địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã…
Trước mắt, huyện ưu tiên CĐS trên một số lĩnh vực như: cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giáo dục, nông nghiệp… Hiện toàn huyện có 395 TTHC cấp huyện, xã đã áp dụng thực hiện theo mô hình dịch vụ công trực tuyến. Việc ứng dụng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước có những chuyển biến khá lớn. Cụ thể, có 98% đơn vị gửi - nhận văn bản hoàn toàn dạng điện tử, chỉ còn 2% văn bản giấy; có 95% cán bộ, công chức trao đổi thông tin qua mạng.
Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý phát triển ngành gắn với thương mại điện tử, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực của huyện. Song song đó, tự động hóa một số quy trình sản xuất - kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện.
Tương tự, lĩnh vực giáo dục cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học với các nền tảng giáo dục mới…
Rất nhiều thủ tục hành chính được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Đông Hải áp dụng mô hình dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T
Rút dần khoảng cách công nghệ số
Ở thời đại số hiện nay, mặc dù vướng phải trở ngại về địa lý (vùng sâu, vùng xa), về hạ tầng KT-XH, nhưng toàn huyện hiện có khoảng 90% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, hầu hết người sử dụng điện thoại thông minh chủ yếu để lướt mạng, quay clip... trong khi đó, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh có tài khoản ngân hàng để liên kết với ví điện tử còn rất thấp. Do đó, quá trình tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán các dịch vụ cơ bản (điện, nước...), các giao dịch trên sàn thương mại điện tử trong người dân rất hạn chế.
Từ khó khăn này, huyện đã chỉ đạo tổ giúp việc, tổ công nghệ, các hội, đoàn thể cập nhật, nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng sử dụng các nền tảng số. Sau đó, “nguồn lực” này sẽ hướng dẫn người dân về các vấn đề liên quan công nghệ số, theo cách đi từng ngõ, gõ từng nhà, trực tiếp hướng dẫn từng người dân theo cách “cầm tay chỉ dẫn”, để từ đó người dân dễ bắt nhịp hơn.
Ông Huỳnh Văn Thẳng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Hải, cho biết: Huyện đã xây dựng kế hoạch, lên danh mục các nội dung cụ thể trong kế hoạch CĐS trong từng giai đoạn, từng năm. Đặc biệt, huyện chú trọng nâng cao nguồn nhân lực cho chiến lược này thông qua công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Bởi huyện xác định nguồn nhân lực chính là nền tảng để thực hiện chiến lược CĐS đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất. Hiện huyện có 24/402 cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn đại học CNTT.
Hầu hết cấp xã, một số ngành cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT, chủ yếu là kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CĐS. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện CĐS, nhất là tập trung tuyên truyền người dân giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động mua bán, trao đổi, sản xuất...
Theo Anh Dũng (Báo Cần Thơ)