Bạc Liêu có dân số trên 900.000 người, với 3 dân tộc chủ yếu gồm: Kinh, Khmer, Hoa (trong đó dân tộc Khmer chiếm 8,5%, dân tộc Hoa chiếm 3%).
Thời gian qua, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và tăng cường chỉ đạo thực hiện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo.
Trong đó, giáo dục vùng dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển.
Các chính sách về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục ngày càng cao. Việc triển khai đầy đủ các chính sách giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Kết quả cho thấy, hằng năm, đối với bậc tiểu học, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học, hoàn thành chương trình tiểu học đều đạt trên 96%; số học sinh bậc trung học cơ sở có hạnh kiểm khá, tốt chiếm tỷ lệ gần 100%; bậc trung học phổ thông có số học sinh học lực khá, giỏi chiếm 66%.
Bạc Liêu chỉ có Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh là 1 cấp trung học phổ thông cũng đã được chuyển đổi thành trường có 2 cấp học (trung hoc cơ sở và trung học phổ thông) và đã tuyển sinh từ năm học 2020 - 2021.
Để phát huy kết quả thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Trung ương quan tâm nâng mức học bổng học sinh từ 80% lên 100% mức lương cơ sở, có như vậy mới bảo đảm chế độ sinh hoạt phí hằng ngày, cũng như chế độ dinh dưỡng trong một tháng của người học; đồng thời sớm biên soạn mới sách giáo khoa dạy chữ Khmer.
Tỉnh Bạc Liêu xác định sẽ tiếp tục bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy trong vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời mở rộng quy mô trường lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để theo kịp mặt bằng chung giáo dục toàn tỉnh.
Trần Chung, Huyền Sâm, Ngọc Dũng