Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2 gây ra. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho biết, bệnh cúm có thể tự khỏi.
Tuy nhiên, bệnh sẽ diễn tiến nặng ở những trường hợp nguy cơ như người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch... Ngoài ra, tình trạng người dân mua và tích trữ thuốc Tamiflu như 1 thần dược chữa trị cúm A khiến ngành y tế lo ngại.
Theo bác sĩ Khanh, thuốc Tamiflu được sử dụng từ 5-7 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu người dân tự động uống Tamiflu sau khi bị cúm 48 tiếng hoặc 72 tiếng, thuốc sẽ không hiệu quả.
Đặc biệt, Tamiflu có một tác dụng phụ lên thần kinh rất nguy hiểm - gây trầm cảm. Ông nhấn mạnh, dù uống Tamiflu ngắn ngày nhưng có thể khiến người bệnh có những suy nghĩ bi quan, trầm cảm. Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị nôn ói, dị ứng…
Đối với trẻ em, cách uống Tamiflu rất khó. 1 viên nang Tamiflu được đóng gói sẽ là quá liều với trẻ nhỏ, muốn sử dụng phải đúng chỉ định và chia nhỏ viên nang, pha chế với nước. Do đó, tốt nhất đưa trẻ vào bệnh viện, nếu cần sử dụng thuốc, sẽ được nhân viên y tế thực hiện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, thuốc Tamiflu chỉ sử dụng cho bệnh nhân viêm phổi nặng hoặc cơ địa suy giảm miễn dịch. Thuốc bắt buộc phải được bác sĩ chỉ định. Do đó, người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu dự trữ tại nhà là không cần thiết.
"Tamiflu không phải thần dược, việc điều trị hãy để cho bác sỹ", ông nói.
Trước đó, ngày 28/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi Sở Y tế; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.
Theo Cục Quản lý Dược, thời gian qua, một số tỉnh, thành ghi nhận gia tăng số ca cúm mùa, trong đó tỉ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm.
Để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A.
Bộ Y tế yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Các bệnh viện; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai đã công bố.
“Không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi”, Cục Quản lý Dược yêu cầu. Các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định.