Sáng 28/9, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết các y bác sĩ ở đây vừa điều trị thành công cho bệnh nhân 15 tuổi bị viêm tụy hoại tử gây chảy máu ổ bụng.

Cụ thể, bệnh nhân là L.H.K.C. (nam, trú tại huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Một ngày trước khi vào viện, C. xuất hiện triệu chứng đau bụng đột ngột, nôn ói, sau đó nhanh chóng rơi vào hôn mê, co giật.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi, nhận định đây là trường hợp sốc nhiễm khuẩn khả năng do viêm tụy hoại tử. 

z5875137155766_46fbe7c14b0c01638a4c02916bc4ab82.jpg
Cháu C. nhập viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn khả năng do viêm tụy hoại tử khiến tính mạng nguy kịch. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đã được điều trị tích cực ngay từ đầu với hồi sức dịch, kháng sinh phổ rộng. Mặc dù vậy, tình trạng bệnh vẫn nặng lên nhanh chóng, có dấu hiệu xuất huyết nặng ổ bụng kèm theo. Các xét nghiệm cho thấy tình trạng thiếu máu rất nặng và suy đa tạng.

Nhận định đây là ca bệnh phức tạp, hiếm gặp ở trẻ em và đang đe dọa tính mạng của bệnh nhân, các bác sĩ trong phiên trực chạy đua với thời gian tiếp tục hồi sức tích cực với thở máy, truyền máu khẩn cấp số lượng lớn.

Sau đó, bệnh nhân C. được tiến hành phẫu thuật cấp cứu cầm máu, loại bỏ toàn bộ tụy đã bị hoại tử nặng, khâu tĩnh mạch lách bị thủng gây xuất huyết ồ ạt ổ bụng do biến chứng của viêm tụy hoại tử.

z5875142274102_18097edbcd89ae65ccd86196107da2a6.jpg
C. được xuất viện sau gần 1 tháng điều trị. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Huế

Sau phẫu thuật, tình trạng sốc nhiễm khuẩn tổn thương đa tạng do viêm tụy hoại tử của C. vẫn còn rất nặng. Bởi vậy, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu nhi với thở máy, lọc máu liên tục để hỗ trợ các cơ quan tổn thương, sử dụng thuốc vận mạch liều cao để đảm bảo huyết động và phối hợp nhiều kháng sinh phổ rộng.

Theo các bác sĩ, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân sốc nhiễm trùng dai dẳng, tổn thương thận, rối loạn điện giải, tổn thương gan nặng, rối loạn chức năng đông máu nặng và tổn thương phổi tiến triển nặng hơn, nên cần phải thở máy và lọc máu liên tục dài ngày. Bệnh nhân được theo dõi sát, hội chẩn đa chuyên khoa nhiều lần trong suốt quá trình điều trị.

Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân C. hết sốt; tình trạng nhiễm trùng và các tổn thương phổi, gan cải thiện, nước tiểu nhạt màu dần. Các chỉ số xét nghiệm về nhiễm trùng, chức năng cơ quan, nước tiểu trở về bình thường nên được chuyển ra khỏi Khoa Hồi sức nhi. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân C. ra viện vào chiều 27/9.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, tỷ lệ viêm tụy cấp ở trẻ em khoảng 13 ca/100.000 người mỗi năm. Trong đó, viêm tụy hoại tử xuất huyết là trường hợp hiếm gặp và nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời.

Đây là trường hợp viêm tụy hoại tử biến chứng nặng đầu tiên cần phải lọc máu liên tục tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế.