Dành cả bài phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay (8/11) tại Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Công Long (Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, đoàn Đồng Nai) nói về ngành y, khi thời gian qua không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước", ông bày tỏ.
"Không có ý bào chữa cho ai bởi dù họ là thầy thuốc, mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh", ĐB nhận định trong một xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được nể trọng như danh xưng cao quý "người thầy" mà vi phạm pháp luật theo ông đó là hiện tượng rất đáng lo ngại xét ở các góc độ pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị đất nước.
ĐB Nguyễn Công Long |
Nêu các vụ án mà người bị truy tố là cán bộ y tế, ĐB Quốc hội đặt vấn đề cần rút ra: "Ngoài những mong muốn chủ quan của từng cá nhân ra thì còn nguyên nhân, điều kiện nào khác".
Tán thành với ý kiến của ĐB Phạm Khánh Phong Lan, ông Long cho rằng đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống y tế hiện nay.
Điểm chung của các vụ án vừa qua có thể thấy số cán bộ y tế làm quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở các tội phạm về chức vụ mà còn các tội về kinh tế...
"Khi thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, có lẽ các nhà làm luật không thể hình dung được tội phạm kinh tế có sự chuyển hóa như vậy, chủ thể tội phạm kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, mà là những cán bộ quản lý trong hoạt động y tế, giáo dục vi phạm nhiều", ông nêu quan điểm.
Do đó, ông cho rằng, qua các vụ án mà người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự là cán bộ y tế, ngoài các yếu tố chủ quan của từng cá nhân vi phạm thì cần xem xét có những nguyên nhân, điều kiện nào khác.
Nghề y là nghề đặc biệt, bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu về kiến thức y, khoa học, năng lực chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của người dân. Ông phân tích, một bác sĩ được cất nhắc làm quản lý, lãnh đạo một bệnh viện phải hội tụ nhiều yếu tố: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn.
Cựu Giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và Cựu giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh vướng vào vòng lao lý |
Với chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành một bệnh viện công, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, cơ sở vật chất...
Tức là, giám đốc bệnh viện công lập thì không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ ở những ca phẫu thuật phức tạp nhất mà còn phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế...
"Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sĩ có kỹ năng đặc biệt, với trình độ đặc biệt mới đảm đương được toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra cho họ", ông nhấn mạnh.
Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia cũng như mô hình y tế một số nước, ông thấy trong cơ sở y tế, các bác sĩ dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình. Họ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong việc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh. Còn nhiệm vụ cung ứng, đấu thầu, mua sắm do hội đồng chuyên trách khác đảm nhiệm.
Vì vậy, ông băn khoăn, phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua?
ĐB tỉnh Đồng Nai cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công.
Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, mà còn ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong nền kinh tế và cũng để "chúng ta không phải thấy cảnh một bác sĩ vướng vào vòng lao lý bởi những công việc đáng lẽ bác sĩ không phải làm hoặc không được làm".
ĐB Đỗ Đức Hiển (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, đoàn TP.HCM) góp ý sâu cho việc xây dựng các chính sách phòng chống dịch. Theo ông, các biện pháp phòng, chống dịch được quy định tập trung trong Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên chưa dự liệu đủ biện pháp cần áp dụng cũng như thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan như Chính phủ, Thủ tướng, UBND các cấp.
ĐB Đỗ Đức Hiển |
Văn bản pháp luật hiện nay chủ yếu để áp dụng trong điều kiện bình thường mà chưa chú trọng, dữ liệu đến tình trạng cấp bách. Bên cạnh đó, nhiều văn bản tuy đã có dự liệu về thời hạn, thời hiệu áp dụng trong tình huống cấp bách, bất khả kháng nhưng thực tiễn cho thấy còn có vướng mắc, nhất là trong điều kiện phải áp dụng giãn cách xã hội.
Với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, đại biểu nhấn mạnh việc hoàn thiện căn cơ quy định của pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch là rất cần thiết. Trong đó, cần khẩn trương rà soát các biện pháp chống dịch thời gian qua để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
“Cần chú trọng trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, UBND các cấp để quyết định kịp thời biện pháp cần thiết chống dịch”, ông Hiển nói.
Ông lưu ý các biện pháp này phải dựa trên mức độ nguy cơ, rủi ro của dịch, trong trường hợp cấp bách có thể khác với quy định của luật hoặc chưa được quy định trong luật, song phải đảm bảo có sự giám sát của cơ quan thẩm quyền và bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Trần Thường - Hương Quỳnh
Bộ Công an nói về việc khởi tố Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an đã thông tin về việc khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.