Sau khi VietNamNet đăng tải bài viết Bộ Y tế hỏi ý kiến chuyên gia về việc 'không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn', nhiều độc giả bày tỏ sự quan tâm tới tình huống này và băn khoăn "liệu cồn nội sinh và cồn do bia rượu có khác nhau hay không"? 

Giải đáp thắc mắc của độc giả, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay trong hệ tiêu hóa con người luôn có các vi sinh vật chuyển hóa đường bột thành cồn. Ngoài ra chính cơ thể chúng ta cũng chuyển hóa tạo ra một lượng cồn nhỏ. Cơ thể hấp thụ lượng cồn này gọi là cồn nội sinh.

"Tùy phân bổ hệ vi sinh đường ruột của từng người khác nhau mà lượng cồn nội sinh sẽ khác nhau ở từng người", bác sĩ Cấp cho biết. Cồn nội sinh và cồn do bia rượu đều là cồn ethanol.

nong_do_con_vnn.png
Cồn nội sinh và cồn do bia rượu đều là cồn ethanol. Ảnh minh họa: Đình Hiếu

Diễn giải cụ thể hơn, vị chuyên gia cho biết nồng độ alcohol (cồn) nội sinh trong máu khoảng 0.26-0.75mg/lít (rất thấp). Nồng độ cồn trong hơi thở bằng khoảng 1/2.100 trong máu. Tức là nồng độ cồn nội sinh trong hơi thở khoảng 0.00012-0,00036 mg/lít khí thở (khoảng 1-3 phần triệu gram trong mỗi lít khí thở).

"Đây là nồng độ rất nhỏ cần các phương tiện siêu nhạy mới phát hiện dương tính được, còn phương tiện thông thường không đủ để phát hiện vì độ nhạy thấp. Vì thế người dân không nên quá lo lắng", bác sĩ cho biết.

Về thắc mắc liệu chỉ hít phải hơi cồn trong rượu hoặc dùng cồn súc miệng thì khi đo nồng độ cồn có dương tính hay không? Bác sĩ Cấp cho biết một số thí nghiệm liên quan vấn đề này đã được thực hiện. Theo đó, nếu hít thở trong môi trường kín có cồn (như đánh đổ cồn ra khoang kín) thì có thể trong hơi thở có một lượng cồn đủ để kích hoạt máy đo thông thường. Song chỉ cần ra môi trường thoáng, thở trong 1-2 phút là lượng cồn này bay đi, không còn dương tính.