Thông tin từ Trung tâm Y tế Hải Hà (Quảng Ninh) chiều 28/3. Sáng cùng ngày, chị Đ.T.L (36 tuổi) vào viện vì thai già tháng 41 tuần 4 ngày. Vì thai to, bác sĩ thăm khám, chỉ định mổ lấy ngay.
Đón bé gái nặng 5,3kg, các bác sĩ thuộc ê-kíp mổ chia sẻ vui đã “mỏi tay” khi đưa bé từ bụng mẹ ra ngoài. Cân nặng này tương đương với em bé khoảng 2 tháng tuổi.
Theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh nặng cân thường gặp ở mẹ tiểu đường thai kỳ, khi đó bé dễ bị hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm phổi… Trường hợp chị L. do không thường xuyên khám và quản lý thai kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa, bỏ qua mốc tầm soát tiểu đường thai kỳ nên rất khó để đánh giá và tiên lượng sức khỏe của mẹ và thai sau sinh.
Em bé đủ tháng khi sinh ra nặng trung bình khoảng 2,8-3,5 kg. Một thai nhi nặng hơn 4 kg được gọi là thai to. Trẻ sơ sinh nặng cân cần được theo dõi sát sao, nguy cơ cao hạ đường huyết vì nhu cầu năng lượng nhiều hơn. Ngoài ra, các bé này dễ bị hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn.
Đây chưa phải là trường hợp bé sơ sinh nặng cân nhất tại Việt Nam. Năm 2017, một em bé nặng 7,1kg chào đời khỏe mạnh tại Vĩnh Phúc.
Các bác sĩ khuyên các mẹ bầu cần thường xuyên khám thai định kỳ. Thai phụ mang bầu to cần khám định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đường và tinh bột. Thai phụ cũng cần tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nếu có dấu hiệu nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tăng cân hơn 1kg/1 tuần, thai phụ cần tới viện ngay. Sau sinh từ 3 đến 6 tuần, mẹ cũng cần khám chuyên khoa tim mạch và nội tiết.