Tuyến bài "Bên ngoài hành lang bệnh viện" là những câu chuyện nhân văn, cảm động về các nhân viên y tế. Với chuyên môn vững vàng, hành động kịp thời, họ đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân ngoại viện. Không chỉ điều trị cho người bệnh bằng kiến thức chuyên môn, những "liều thuốc" tinh thần là sự quan tâm, chăm sóc giản dị hay món quà bất ngờ từ các nhân viên y tế đã trở thành động lực mạnh mẽ cho người bệnh.
Cuối giờ sáng 19/7, đang cùng gia đình di chuyển trên ô tô qua địa phận trung tâm xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An), bác sĩ Phan Nhân Hậu bất ngờ phát hiện một chiếc xe máy phóng rất nhanh về hướng trạm y tế xã.
“Một người đàn ông điều khiển xe máy chở theo một em bé nằm sấp trên đùi người phụ nữ. Người em bé ướt sũng, mềm nhũn, tím tái, tay thõng xuống. Kinh nghiệm và linh cảm nghề nghiệp khiến tôi nhận định bé đang trong tình trạng nguy kịch, có thể là dị vật đường thở, đuối nước hoặc tình huống cấp cứu khác”, bác sĩ Hậu, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, chia sẻ với VietNamNet ngày 20/7.
“Bố tăng ga chạy xe nhanh lên bố, phải cứu em bé, phải giúp họ”, nghe con thúc giục, vị bác sĩ lập tức đuổi theo chiếc xe máy.
Ngay khi chạy xe đến Trạm Y tế xã Ngọc Lâm, bác sĩ Hậu chạy vào khu vực đang sơ cứu cho bé. Lúc này, em bé ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp, đồng tử giãn, dịch thức ăn trào qua mũi, miệng.
Hình ảnh một người đàn ông không mặc blouse, gạt hết mọi người ra, lập tức xắn tay áo tiến hành quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn đuối nước khiến nhiều nhân viên y tế ở trạm xá Ngọc Lâm ngạc nhiên. Họ chưa kịp nhận ra đó là bác sĩ Phan Nhân Hậu, Trưởng khoa Ngoại - Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương.
Lúc này, cha mẹ bé chỉ kịp báo với thầy thuốc con bị ngã xuống ao. Theo quan niệm địa phương, họ buộc phải "cách ly" với nạn nhân đuối nước. Quá hoảng loạn, người mẹ chỉ biết gào khóc.
Vị bác sĩ lập tức ngậm miệng bé, hút hết đờm, giãi, dịch… khai thông đường thở. Ông đồng thời yêu cầu nhân viên y tế của trạm chuẩn bị ngay lọ thuốc adrenalin (thuốc đầu tay trong cấp cứu) tiêm trực tiếp vào tim em bé rồi nhanh chóng ép tim, hà hơi, thổi ngạt…
Sau 30 phút được cấp cứu với tất cả những phương tiện sẵn có của một trạm y tế, cậu bé 2 tuổi đã có nhịp tim, nhịp thở, dấu hiệu hồng hào hơn. Một lúc sau, bé có động tác thở trở lại.
“Giây phút nghe được tiếng tim em bé trở lại, tôi bất giác chảy nước mắt, tay nổi da gà vì sung sướng, hạnh phúc tột độ”, bác sĩ Nhân xúc động kể lại.
Lập tức, nhân viên trạm xá lấy bóp bóng, oxy, sẵn sàng các bước cấp cứu tiếp theo. Một chiếc xe cấp cứu được chuẩn bị, 2 nhân viên y tế cũng được yêu cầu hỗ trợ hồi sức cho bé trên đường di chuyển từ xã Ngọc Lâm đến Bệnh viện đa khoa Thanh Chương cách đó khoảng 15km.
Cẩn thận hơn, vị bác sĩ hướng dẫn một nhân viên y tế bế bé, một người liên tục giữ cằm bé đúng tư thế và bóp bóng liên tục. "Không thể để em bé tự thở, nếu không sẽ mất não ngay", vị bác sĩ dặn dò. Bác sĩ Hậu cũng gọi điện cho Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, thông báo sẵn sàng cấp cứu bé trai.
Tại bệnh viện huyện, bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
“Hiện bệnh nhi được hồi sức tích cực, dùng an thần, thở máy và hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ vỏ não. Các y, bác sĩ đang nỗ lực hết sức để cứu sống bé. 72 giờ sau mới có thể đánh giá các di chứng do thời gian thiếu oxy não”, bác sĩ Hậu cho biết.
Bác sĩ Phan Nhân Hậu đã công tác trong nghề y được 23 năm, mổ hàng nghìn ca bệnh, cứu sống rất nhiều người, nhưng xúc cảm khi cứu một em bé nguy kịch trong tình huống tình cờ, thiếu thiết bị cấp cứu, dù không biết bố mẹ bé là ai khiến ông "thực sự cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, giữ lửa yêu nghề gấp bội".
Video hướng dẫn cấp cứu trẻ bị đuối nước:
Nguồn clip: Bệnh viện Nhi Trung ương