Thành công ấn tượng trên được đánh dấu vào ngày 4/1/2024 với các ê-kíp của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Đây cũng là ca can thiệp bào thai chữa dị tật tim bẩm sinh đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thai phụ là chị L. (28 tuổi). Thai nhi được xác định có dị tật tim bẩm sinh rất nặng: không có lỗ van động mạch phổi, thiểu sản thất phải. Tình trạng diễn tiến nguy kịch khi thai nhi được 32 tuần.
Các chuyên gia nhận định nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi, thai nhi có thể chết trong bụng mẹ. Nếu cho sinh ngay, em bé có nguy cơ tử vong khi vừa chào đời.
Ca can thiệp được chuẩn bị kỹ lưỡng với hơn 15 nhân sự của các ê-kíp. Thai nhi được gây mê. Bác sĩ Tín đâm kim xuyên qua thành bụng người mẹ, xuyên qua tử cung, qua ngực bào thai, vào buồng tim. Trên hướng dẫn của siêu âm, anh tìm đến vị trí thân động mạch phổi của thai nhi, tiếp tục bơm bóng với áp lực phù hợp để nong van.
Sau can thiệp, mẹ và thai nhi đều ổn định, xuất viện vào ngày 8/1. Kết quả này mở ra một hướng đi đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch trẻ em.
'Hãy chúc tôi may mắn'
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và các đồng nghiệp nhận được nhiều lời chúc mừng từ lãnh đạo TP.HCM, Bộ Y tế cũng như giới chuyên môn. Món quà lớn nhất là lòng tin và kỳ vọng của người dân, người bệnh.
Bác sĩ Tín nhấn mạnh, thành công của ca can thiệp bào thai đầu tiên có nhiều yếu tố thuận lợi với tay nghề rất cao của bác sĩ siêu âm tim thai, bác sĩ sản khoa và cả phương tiện, dụng cụ.
Ít ai biết ngay trước ca can thiệp ấn tượng, người bác sĩ từng thực hiện trên 17.000 ca can thiệp tim bẩm sinh đã gửi một tin nhắn cho người thân: “Hãy chúc cho tôi may mắn”.
“Nghề y rất mong manh, không ai ngông cuồng nói mình luôn thành công được. Hai năm trước, tôi đã thất bại khi can thiệp bào thai”, bác sĩ Tín tâm sự.
Đó là trường hợp một phụ nữ mang thai gần 30 tuần, thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh rất nặng và sẽ tử vong nếu không can thiệp ngay. Gia đình sản phụ chấp nhận rủi ro, níu lấy cơ hội mỏng manh từ bác sĩ.
Bác sĩ Tín và ê-kíp gấp rút tiến hành cho ca nong van tim bào thai. Thế nhưng, may mắn không mỉm cười. Tim em bé ngừng đập trong bụng mẹ.
“Không phải một hai ngày mà rất nhiều ngày tôi day dứt. Đến tận hôm nay, tôi vẫn ám ảnh. Sau thất bại, tôi biết mình còn nhiều giới hạn, còn kém cỏi và phải tiếp tục tìm tòi, cố gắng”, bác sĩ Tín nói.
“Nhiều bạn đọc bình luận rằng thấy rùng mình khi tưởng tượng cảnh anh xuyên kim vào tận tim thai để sửa lỗi”, phóng viên nói. Bác sĩ Tín cười và thú nhận, bản thân anh cũng lạnh người và đổ mồ hôi khi lần đầu tiên xem trực tiếp kỹ thuật này.
Đó là một hội nghị được tổ chức tại Mỹ nhiều năm trước. Đoàn Brazil đã thực hiện can thiệp dị tật tim bẩm sinh bào thai trước sự kinh ngạc của đồng nghiệp quốc tế.
“Cả hội trường lớn im phăng phắc. Tôi đổ mồ hôi lạnh, nín thở, im re. Chỉ lệch một chút, mẹ và thai nhi có thể tử vong ngay. Vậy mà bác sĩ vừa làm vừa cười. Anh ấy rất tự tin vì đã thực hiện nhiều ca”, bác sĩ Tín kể. Quá hào hứng với kỹ thuật đặc biệt, anh lao vào tìm hiểu, học tập.
Thực tế, kỹ thuật thông tim bào thai chỉ phát triển trong 5 năm qua. Các nước trong khu vực, đạt nhiều thành tựu y khoa, như Singapore, Thái Lan... đều chưa triển khai được, chỉ một số quốc gia như Brazil, Ba Lan... thực hiện thành công. Anh đến các quốc gia này học tập, ấp ủ mong ước sửa lỗi trái tim từ trong bào thai cho trẻ em Việt Nam.
“Can thiệp dị tật tim từ bào thai nghĩa là sửa từ tế bào gốc. Chúng ta sẽ cứu được rất nhiều trẻ nhưng cũng đồng nghĩa với việc đang chạm đến cả quy luật tự nhiên. Tôi hiểu và chấp nhận những nguy cơ sau này với bản thân”, anh nói.
Kết quả vừa qua cũng mở ra một hướng đi mới trong điều trị tim bẩm sinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau những lời chúc mừng, người bác sĩ dày dặn kinh nghiệm chỉ ra rằng, con đường phía trước không phải là gặt hái thành công.
“Khi bắt tay vào làm, chúng ta sẽ gặp những lần thất bại, đó là điều chắc chắn. Nhưng cứ làm tiếp, chúng ta sẽ khác, sẽ tốt hơn. Chúng ta phải rút ra được bài học sau thất bại để từ đó giảm được tỷ lệ thất bại. Bất cứ lĩnh vực nào, khi đi đầu, đi trước cũng phải trải qua những điều này”, anh nói.
Theo bác sĩ Tín, thế giới đã có sẵn hướng dẫn hoàn chỉnh về can thiệp tim bào thai. Tại Việt Nam, chặng đường sắp tới sẽ bắt đầu từ việc thành lập một nhóm chuyên sâu mà anh rất tin vào thế hệ đàn em.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là gây dựng một quy trình, một con đường để đi đúng và vận hành trơn tru. Tất nhiên, đó là câu chuyện dài”, anh nói.
Y khoa dấn thân
Trong điều trị tim bẩm sinh, ba lĩnh vực thông tim can thiệp, phẫu thuật tim ít xâm lấn và mổ hở luôn bổ trợ lẫn nhau. Mục tiêu cuối cùng là mang đến cuộc sống tốt nhất cho trẻ nhỏ.
Một phần tư thế kỷ qua đi, kể từ khi bác sĩ nội trú Đỗ Nguyên Tín quyết định học can thiệp tim mạch, một ngành quá mới mẻ, thậm chí không có đất dụng võ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Như nhiều bác sĩ tim mạch lúc bấy giờ, anh từng trăn trở đến bức xúc khi hàng trăm trẻ tử vong vì không đợi được đến lúc mổ tim. Anh lăn lộn khắp chốn để học can thiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Năm 2009, Bệnh viện Nhi đồng 1 có máy DSA và thành lập đơn vị tim mạch can thiệp, anh về mái nhà cũ. Số lượng trẻ bị tim bẩm sinh được sửa lỗi tăng dần. Năm 2023, có trên 800 trẻ được can thiệp tim mạch tại đây.
Không ngồi yên một chỗ để chờ bệnh nhi tìm đến, bác sĩ Tín và các đồng nghiệp trẻ đã xách máy siêu âm đến khắp các tỉnh thành, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Phát hiện trẻ mắc bệnh, đoàn sẽ đưa các em đến bệnh viện phù hợp để điều trị. Chi phí điều trị thường được phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ từ nguồn quỹ do các nhà tài trợ đóng góp.
Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín gọi đó là y khoa dấn thân.
Anh lý giải, những chuyến đi này không chỉ giúp người bệnh mà còn giúp cho các bác sĩ trẻ. Khi thấy cuộc sống còn nhiều mảnh đời khó khăn, người trẻ sẽ biết đồng cảm, biết đau nỗi đau của người bệnh và cống hiến nhiều hơn. Đó là cách gây dựng tinh thần y khoa dấn thân.
“Nếu không dấn thân, làm sao nhân viên y tế có thể bất chấp gian nguy để chống dịch Covid-19, chấp nhận nguy cơ ảnh hưởng của tia X hay phóng xạ để cứu người bệnh?", anh nói.
Đổi lại là gì? Là niềm vui. Ở tuổi 51, anh không quên được đôi mắt tràn niềm vui của hai đứa trẻ cõng nhau đi bộ 6-7km đến nơi khám từ thiện, hay cảm giác khi cứu được một bệnh nhi.
“Một ngày làm được 5 ca can thiệp, tôi có 5 niềm vui. Cũng có nơi mời tôi về làm với mức lương ấn tượng, nhưng giá trị không ở chỗ kiếm được bao nhiêu tiền mà năng lực của mình ở đây sẽ cứu được nhiều người. Giúp được nhiều người bệnh nghèo, tôi thấy vui hơn”, anh cười.
Là một thầy thuốc lão luyện trong lĩnh vực can thiệp, tự nhận đã trải qua nhiều vấp ngã nhưng bác sĩ Tín vẫn không quên được những ca thất bại. Có trường hợp tử vong do sự kém hiểu biết của bản thân, vì anh chưa biết hết, vì tay nghề chưa cao. Nhưng anh luôn răn mình, người bác sĩ không thể để cái chết vô nghĩa.
“Quan trọng nhất là bác sĩ dám nhìn ra cái sai, dám trung thực nói ra để người khác giúp mình sửa. Khi đó, mình và nhiều người khác học được và không lặp lại cái sai đó. Nếu giấu hoặc lờ đi, nghĩa là mình đã đánh mất cơ hội sửa sai và tốt lên”, bác sĩ Tín nói.