Bà Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ giá, Phòng Tài chính kế toán, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết từ 1/7, lương cơ sở tăng thêm 30%, vì vậy, đơn vị đã xây dựng tờ trình gửi Bộ Y tế về thay đổi giá khám chữa bệnh.
Theo bà Hạnh, trước đây, giá khám chữa bệnh BHYT thanh toán do Bộ Y tế ban hành theo thông tư. Luật Giá mới ban hành theo quyết định, các đơn vị xây dựng giá và đưa lên Bộ Y tế thẩm định cho từng đơn vị.
Giá khám bệnh dự kiến tăng 20% (tiền công bác sĩ), còn tất cả 8.300 dịch vụ khám chữa bệnh (khi cần điều trị) tăng khoảng 7% dựa trên cơ sở lương tăng, tiền đóng BHYT tăng.
Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai đón tiếp 8.000-10.000 người tới khám và điều trị. Bà Hạnh cho rằng mức giá thay đổi nhưng quỹ BHYT thanh toán, bệnh nhân có BHYT sẽ không bị tác động đáng kể.
Bệnh viện Bạch Mai hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc hiện đại, chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, lắp đặt điều hòa, hệ thống quạt phun sương, cây nước nóng lạnh… để phục vụ người bệnh. Hiện nay, các chi phí trên chưa có trong giá khám chữa bệnh.
Khi lương cơ sở tăng 30%, quỹ lương của Bệnh viện Bạch Mai tăng lên 10-12 tỷ/tháng. Bà Hạnh cho biết nếu chậm duyệt mức giá theo cơ cấu lương mới, bệnh viện sẽ gặp khó khăn về tài chính.
Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện chưa thay đổi.
Theo Thông tư 13/2023 của Bộ Y tế, từ ngày 15/8/2023, tại Bệnh viện Bạch Mai, giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu được chia thành 3 nhóm: Mức giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng/lượt; giá khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng/lượt; giá khám thạc sĩ, bác sĩ là 300.000 đồng/lượt. Trước đó, từ năm 2020 tới tháng 8/2023, hầu hết giá khám và giá dịch vụ theo yêu cầu khác của bệnh viện đều theo giá BHYT.