Sinh ra tại thành phố Kazan (Nga), từ nhỏ, Lương Anh Khánh Huyền (SN 2005) được tiếp xúc với 3 ngôn ngữ, tiếng Việt, tiếng Nga và tiếng Anh. Năm 2 tuổi, vì muốn con hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, bố mẹ quyết định đưa em trở về nước.
Khánh Huyền sớm bộc lộ khả năng tiếp thu ngoại ngữ tốt. Quay lại Nga vào năm lớp 2, dù vốn tiếng Nga còn sót lại khá ít ỏi, Huyền vẫn có thể thuộc bảng chữ cái chỉ trong 45 phút. Không những thế, em còn đọc thuộc lòng bài thơ của Pushkin chỉ sau một buổi học. Điều này khiến cô giáo người Nga vô cùng xúc động.
Năm 2014, Huyền cùng gia đình về nước và theo học tại Trường Quốc tế Concordia (Hà Nội). Tại đây, em được theo học chương trình AP (chương trình dự bị đại học dành cho học sinh bậc THPT của Mỹ), cho phép học sinh làm quen với những môn học liên quan đến các tín chỉ ở bậc đại học, từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành học trong tương lai và sớm xây dựng định hướng cho riêng mình.
Trong những năm cấp 3, Huyền từng thử sức với rất nhiều môn học khác nhau như Lịch sử thế giới, Kinh tế, Khoa học máy tính, Văn học…
Theo Huyền, việc được thỏa sức lựa chọn học những gì mình cảm thấy thích thú là cách giúp học sinh khám phá thế mạnh của bản thân.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, bà ngoại là giám đốc điều hành một khu chợ ở thành phố Kazan, ngay từ sớm, trong những bữa ăn gia đình, Huyền thường được nghe những câu chuyện xoay quanh chủ đề này.
Nữ sinh cũng từng được theo bà và bố mẹ tới các cuộc đàm phán hợp đồng. Vì tò mò, Huyền bắt đầu tìm đọc những cuốn sách về kinh tế và cảm thấy hứng thú với những câu chuyện khởi nghiệp.
“Thời điểm ấy em vẫn chưa chắc chắn với hướng đi của mình. Là một người thích viết lách, em từng nghĩ sẽ theo đuổi ngành Viết văn”, Huyền nói.
Để chắc chắn bản thân muốn gì và khả năng của mình đến đâu, cuối năm lớp 10, Huyền quyết định thử sức với một số cuộc thi tài chính và khởi nghiệp.
Cùng với hai người bạn, nhóm của Huyền đã nảy ra ý tưởng tạo ra một sản phẩm băng vệ sinh tự phân huỷ. Khi xem xét các loại vật liệu như tre, chuối, nhóm của Huyền nhận thấy, đây đều là những vật liệu không phù hợp để sử dụng do yêu cầu khắt khe trong phương pháp xử lý và giá thành.
Giữa lúc việc tìm kiếm vật liệu rơi vào bế tắc, cả nhóm nghe tin về chiến dịch “giải cứu” thanh long. Nhận thấy vỏ thanh long có khả năng thấm nước cao, cả ba em quyết định chọn đây là vật liệu chính để nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Nhóm nữ sinh sau đó đã thành lập công ty Adorbsy để nghiên cứu sản xuất. Với kiến thức kinh doanh có được, Huyền còn đảm nhận vai trò tìm hiểu thị trường, nghiên cứu tệp khách hàng, tìm kiếm vật tư, tính toán chi phí sản xuất và định giá sản phẩm.
Dự án băng vệ sinh làm bằng thanh long đã được nhóm đem tới cuộc thi sáng chế bảo vệ môi trường “The Earth Prize 2022” của một tổ chức phi lợi nhuận ở Thụy Sĩ. Với ý tưởng giải quyết được cả vấn đề rác thải nông nghiệp và rác thải sinh hoạt, cả ba đã thuyết phục được hội đồng giám khảo để giành giải Nhất, đồng thời nhận được phần thưởng 100.000 USD (2,3 tỷ đồng).
Tháng 4/2022, nhóm tiếp tục mang dự án này sang Mỹ để cạnh tranh với 900 dự án khác tại cuộc thi sáng chế khoa học cho các vấn đề trên thế giới và cũng giành giải Nhất.
Huyền cho biết, việc tham gia các cuộc thi cũng là cách để nhóm “trau chuốt” hơn cho dự án, từ đó đưa ra một kế hoạch đầy đủ cho sáng chế này cả về cách vận hành, công nghệ phía sau sản phẩm, nguồn vốn trước khi đưa sản phẩm này thành hiện thực.
Ngoài dự án băng vệ sinh làm bằng vỏ thanh long, Huyền còn tham gia một số dự án xã hội, trong đó có dự án thiện nguyện gây quỹ bằng việc đấu giá tranh của các học sinh trong trường. Toàn bộ số tiền thu về hơn 130 triệu đồng được Huyền đem đi giúp đỡ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.
Từ những trải nghiệm của bản thân, nữ sinh tìm thấy đam mê mình muốn theo đuổi là ngành Kinh doanh. Sau đó Huyền nộp đơn vào ngôi trường Wharton, Đại học Pennsylvania – xếp thứ 1 nước Mỹ về đào tạo ngành này và cũng là nơi cựu Tổng thống Donald Trump từng theo học.
10X có hồ sơ cạnh tranh với điểm ACT 35/36, đạt GPA 3.96/4.0 cùng một số dự án nghiên cứu nổi trội. Ngoài ra, với điểm tuyệt đối 5/5 ở môn Văn học Mỹ, Huyền được miễn nộp các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Bài luận cũng là yếu tố khiến Huyền cảm thấy tâm đắc, bởi toàn bộ trải nghiệm em đã đi qua trong những môi trường khác nhau đều được Huyền đúc kết tại đây. Vì vậy, cá tính, con người… đều được 10X thể hiện chân thực thông qua bài luận.
“Khi còn bé, em thường được theo bà ngoại tới các sự kiện và hoạt động xã hội do bà tổ chức. Vì thế, em luôn có sự ngưỡng mộ rất lớn với bà. Càng lớn, sự ngưỡng mộ ấy càng trở thành áp lực trong em, nhất là những khi em cố gắng nhưng đều không đạt được kết quả như mong đợi”, Huyền nói.
10X cũng kể về quá trình thực hiện dự án băng vệ sinh làm bằng vỏ thanh long. Dù tin tưởng rằng đó là một dự án khả thi, nhưng nữ sinh cũng từng “không qua nổi vòng sơ loại” ở một số cuộc thi khởi nghiệp.
Mất niềm tin vào bản thân, Huyền đã chia sẻ điều đó với bà. Sau đó, nữ sinh được bà kể cho nghe về câu chuyện của mình và những thất bại đã trải qua. Điều đó khiến Huyền tin tưởng rằng, “thất bại nhỏ không phải là dấu chấm hết cho một tiềm năng lớn”.
“Mỗi lần bị từ chối, em lại cố gắng cải thiện để tạo ra sản phẩm với phiên bản tốt hơn. Niềm tin vào dự án đã giúp cả nhóm giành được giải Nhất tại hai cuộc thi mang tầm quốc tế”, Huyền nói.
Nhận được thư chấp thuận từ ngôi trường Wharton, Khánh Huyền sẽ lên đường sang Mỹ vào tháng 8 tới. Trước khi đi du học, nữ sinh muốn dành nhiều thời gian cùng nhóm hoàn thiện sản phẩm băng vệ sinh làm bằng vỏ thanh long và đưa ra thị trường.
“Dự án đã được nhóm đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và cấp bằng sáng chế vào tháng 12/2022. Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, nếu không có gì trục trặc, đến năm 2025, sản phẩm này sẽ được đưa ra ngoài thị trường”, Huyền nói.