Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.
Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".
Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:
... Ngày... tháng... năm...
Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!
Lời đầu tiên, tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến bạn. Tin chắc rằng, bạn đang được sống trong một thế giới đáng sống và đáng tự hào. Khi tôi viết lá thư này, thế giới đang ở năm 2024 với những sự phát triển và biến động trong mọi khía cạnh. Góp phần trong sự thay đổi đó, nhất định phải kể đến sự cống hiến hết mình của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).
Bạn thân mến, thế giới bạn đang sống như thế nào? Có thật sự như tôi đang mong cầu không? Một thế giới mà nền giáo dục được đề cao nhất. Nơi mà trường học hạnh phúc được lan rộng mọi ngóc ngách để mỗi ngày đến trường với từng đứa trẻ đều là một ngày vui. Ngôi trường các bạn phải thật sự như mơ ước.
Tôi nghĩ bạn sẽ tò mò về thế giới của tôi trong năm 2024. Để tôi giúp bạn quay ngược về quá khứ nhé! Nền giáo dục của chúng tôi cũng đã có những phát triển. Minh chứng là nhiều trường học được xây dựng, trẻ em đều được đến trường và phát triển toàn diện. Ngay cả tại các vùng khó khăn, các quốc gia cũng tạo điều kiện để mọi trẻ được đi học và lớn lên trong nền giáo dục công bằng như bạn bè đồng trang lứa. Đặc biệt, nhiều học sinh, sinh viên còn liên tiếp giành giải thưởng tại các cuộc thi lớn trên thế giới.
Các trường học cũng chú trọng xây dựng trường học hạnh phúc để những đứa trẻ khi đến trường đều cảm thấy vui vẻ và hân hoan. Đó là nơi các em được học, được chơi và được khám phá để phát triển toàn diện nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, nền giáo dục ở thế hệ của chúng tôi vẫn tồn tại những “hạt sạn”. Đương nhiên, trong những trường hợp này, chúng tôi không quy chụp trách nhiệm cho bất cứ ai; bởi, câu chuyện của giáo dục vốn là bài toán nan giải.
Bạn biết không? Chúng tôi vẫn phải "chạy" theo áp lực điểm số, thi cử và kỳ vọng của gia đình. Một đứa trẻ tốt, giỏi, đúng chuẩn “con nhà người ta” phải luôn được 9, 10 điểm hay thi đỗ vào trường top, trường điểm… Đó cũng là lý do học sinh phải học ngày, học đêm, học ở trường cho đến học thêm môn nọ, môn kia, đến mức “nghẹt thở”.
Còn đó việc ở một số trường học ở vùng cao, những vùng khó khăn, học sinh còn không được hưởng môi trường giáo dục đúng nghĩa. Tháng 12/2023, báo chí rầm rộ đưa tin, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (huyện Bắc Hà, Sơn La) bị cắt xén khẩu phần ăn. Không chỉ vậy, sách giáo khoa của các em cũng phải dùng sách cũ, giấy vệ sinh cũng không có đủ… Ngay sau đó, hiệu trưởng ngôi trường này đã xin từ chức và nhận trách nhiệm về mình.
Có lẽ, nếu sự việc không bị phát hiện, các học sinh nơi đây sẽ tiếp tục phải lớn lên trong môi trường thiếu thốn. Đến thể chất, sức khỏe còn không được đáp ứng đủ, việc học tập và phát triển liệu có thể đảm bảo?
Tiếp đó là vấn nạn bạo lực học đường - thứ mà dường như luôn tiềm ẩn ở bất cứ môi trường giáo dục nào. Bạo lực về thể chất cho đến bạo lực tinh thần, đánh đập, chửi mắng, xúc phạm… khiến nhiều đứa trẻ “sợ” đến trường.
Số liệu thống kê về công tác phòng, chống bạo lực học đường của Bộ GD-ĐT cho thấy, tính từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh. Thế giới của bạn có như vậy không?
Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tương lai con người. Mỗi đứa trẻ đều có cơ hội bình đẳng để học hỏi, phát triển và khám phá niềm đam mê của mình. Tôi thật sự hy vọng bạn đang được sống trong một môi trường giáo dục an toàn, yêu thương và được khuyến khích để phát triển toàn diện.
Đó là ngôi trường trong “mơ” - khi các bạn được bảo vệ, nói không với bạo lực học đường. Là nơi các bạn được học tập tích cực, khuyến khích sự tò mò, sáng tạo và khám phá. Ngôi trường hạnh phúc không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức mà còn quan tâm đến sự phát triển toàn diện của học sinh. Điều này bao gồm việc xây dựng kỹ năng xã hội, tư duy phản biện, sức khỏe về cả thể chất và tinh thần, giáo dục đạo đức; học sinh được khuyến khích để chia sẻ quan điểm, ý tưởng và sự quan tâm của mình mà không sợ bị phê phán hay kỳ thị.
Một ngôi trường hạnh phúc không chỉ là nơi để học, còn là một nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng của mình, tìm hiểu về thế giới xung quanh và xây dựng những mối quan hệ xã hội tích cực.
Đặc biệt, nền giáo dục tốt còn xây dựng “kiềng 3 chân” giữa gia đình - học sinh - nhà trường. Ở đó, chúng ta tạo ra một mối liên kết, hỗ trợ, đồng hành với nhau trên hành trình giáo dục thế hệ tương lai của đất nước. Đó là ngôi trường hạnh phúc, nền giáo dục toàn diện mà tôi mong muốn các bạn - thế hệ tương lai của tôi được thừa hưởng.
Trân trọng!
Ký tên
Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 với mong muốn thế hệ tương lai bớt sử dụng điện thoại hay thiết bị công nghệ, để khỏi mất kết nối trong giao tiếp đời thực. Chúng ta hãy bỏ điện thoại xuống, để cảm nhận cuộc sống nhiều hơn.
Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 với chủ đề "gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa".
Ở một số nơi trên thế giới, người gốc Phi vẫn còn bị cô lập. Họ không được uống nước chung bình, không được học cùng trường với người da trắng. Họ chỉ có thể làm những công việc nặng nhọc, mức lương thấp...