- Kính thưa các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
- Thưa các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh,
- Thưa các đại biểu dự tại các điểm cầu cấp huyện, cấp xã,
- Thưa các đồng chí,
Hôm nay, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến 11 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và 109 xã, phường, thị trấn để đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021, phương hướng phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022; khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch năm 2021 trên địa bàn tỉnh.
Như các đồng chí đã biết, đại dịch COVID-19, đặt biệt là đợt dịch lần thứ tư tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, với biến chủng Delta bùng phát với mức độ rất nghiêm trọng. Đối với tỉnh Sóc Trăng, từ khi phát sinh ca nhiễm đầu tiên đến nay, ròng rã gần 7 tháng, trên 200 ngày đêm, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị, nhân nhân, cộng đồng doanh nghiệp đã đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch COVID-19.
Tuỳ từng thời điểm, giai đoạn khác nhau, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo và trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh. Sau 2 lần thực hiện giản cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo mức độ nguy cơ tại các xã, phường, thị trấn; qua đó, tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, được người dân, cộng đồng danh nghiệp đồng tình, ủng hộ.
Sóc Trăng cũng là một trong những tỉnh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới sớm nhất trong cả nước. Chúng ta cũng đã tổ chức đón, cách ly, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho trên 40.000 người lao động về từ ngoài tỉnh, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Và chúng ta cũng đã triển khai thực hiện thành công Nghị quyết của Chính phủ về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát.
Hiện nay, số ca mắc COVID-19 mới của tỉnh đã giảm đáng kể, nếu trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, mỗi ngày có khoảng 700 ca mắc thì trong 2 tuần trở lại đây, trung bình 7 mỗi ngày chỉ có 70 ca mắc mới, giảm gấp 10 lần so với thời gian trước. Tỉnh đã chuyển sang cấp độ dịch cấp 1 - vùng xanh.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo, Trung tâm chỉ huy các cấp đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế. Trong đó,
+ Quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chiến lược 5k + vắc xin + công nghệ + truyền thông + ý thức người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các nền tảng khai báo y tế, kiểm soát di chuyển điện tử, nền tảng quản lý xét nghiệm, quản lý tiêm chủng,… góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
+ Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc điểu trị, oxy y tế bảo đảm yêu cầu điều trị. Triển khai việc cách ly F1, từng bước điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, gắn với triển khai Trạm Y tế lưu động, bảo đảm người nhiễm COVID-19 được tiếp cận được dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay tại cơ sở.
+ Thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc xin đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân. Sóc Trăng cũng là một trong những tỉnh tổ chức tiêm vắc xin sớm nhất, bao phủ nhanh nhất của cả nước (99% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 2 mũi; gần 98% trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 được tiêm đủ 2 mũi).
+ Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống dịch. Chăm lo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch.
Theo đó, từng cấp, từng ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao đều có những hoạt động tích cực, chung sức, đồng lòng, phối hợp thực hiện phòng, chống dịch. Thực hiện có hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, các chức sắc, tôn giáo tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, và có nhiều hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội đầy ý nghĩa, thắm đậm tình người, nghĩa cử nhân văn.
Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đã tích cực tranh thủ các bộ, ngành, Trung ương, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để huy động, vận động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thường xuyên động viên, chia sẻ. Cùng với đó, các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng nhiều tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã hỗ trợ nhân lực, vật lực, kinh phí giúp Sóc Trăng chống dịch.
Thưa các đồng chí,
Trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều kiện ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh, nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, của cấp mình, ngành mình trong năm 2021; trong đó, nổi bật là:
Có đến 16 chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh uỷ năm 2021 được thực hiện đạt và vượt. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực; sản lượng lúa, thuỷ sản vượt kế hoạch. Sản xuất công nghiệp được duy trì, có bước phát triển. Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 150 triệu USD, vượt 15% chỉ tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách vượt gần 11% chỉ tiêu Nghị quyết. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 1,18%. Sóc Trăng là tỉnh xếp thứ 3/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 47 so cả nước và có tăng trưởng dương.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được bảo đảm; ước đến ngày 31/01/2022, giải ngân các nguồn vốn đạt 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh đã được khởi công, một số công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng bảo đảm đúng tiến độ. Thành phố Sóc Trăng đã hoàn tất các hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận thành phố Sóc Trăng đạt tiêu chí đô thị loại 2; thị xã Vĩnh Châu cũng hoàn thiện hồ sơ trình Trưng ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên, liên tục; qua đó, góp phần an dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; hỗ trợ tiền ăn cho người dân trong các khu cách ly; thực hiện miễn giảm học phí cho học sinh các cấp,...
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh; đến nay, đã vận động xây dựng trên 1.200 căn nhà, với tổng kinh phí trên 60 tỷ đồng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, an ninh trong dân tộc, tôn giáo được đảm bảo.
Đến nay, dù dịch bệnh vẫn còn xảy ra nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân dần ổn định, phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.
Đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, đó chính là do các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, hiệu quả; sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, nhất là sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của lực lượng chức năng nơi tuyến đầu.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi biểu dương những nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, chức sắc, tôn giáo, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, cộng đồng các doanh nghiệp đã cùng nhau chung sức, đồng lòng, quyết tâm trong phòng, chống đại dịch COVID-19; chúc mừng các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng tại Hội nghị hôm nay tại các điểm cầu của tỉnh.
Thưa các đồng chí,
Mặc dù thành công của tỉnh ta là đã kiểm soát chặt chẽ được dịch bệnh, giảm số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, điều trị có hiệu quả các ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn phát sinh những hạn chế, khó khăn nhất định như trong báo cáo có nêu, cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhận thấy vẫn còn những hạn chế rất đáng lo ngại; trong đó, nổi bật là:
- Công tác chỉ đạo, điều hành từng lúc, từng nơi còn bị động, lúng túng, chưa thống nhất, bộc lộ những điểm yếu trong quản lý, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, nhất là khi số ca mắc COVID-19 tăng trong thời gian ngắn. Một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
- Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; công tác mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm, ô xy y tế,... còn bị động; hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khi dịch bùng phát trên diện rộng khi có thời điểm số ca mắc 1 ngày trên 1.000 ca, gây quá tải, nhiều áp lực hơn cho cơ sở y tế và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trong việc lấy mẫu, xét nghiệm, cách ly, thu dung, điều trị,...
- Nhiều nơi chưa làm tốt việc khảo sát, hướng dẫn, phân loại F0, dẫn đến người có nguy cơ cao, rất cao điều trị tại nhà; quản lý F0 tại nhà chưa tốt. Cũng có tình trạng người dân mắc bệnh nhưng không khai báo với cơ sở y tế, tự ý mua thuốc điều trị, gây khó khăn cho công tác điều trị khi bệnh ở giai đoạn chuyển nặng, dẫn đến số ca tử vong cao.
- Phần lớn những người lớn tuổi, có bệnh nền được nhập viện rất nhiều, cho nên các bệnh viện điều trị tầng 2, tầng 3 tăng số ca bệnh nặng.
- Số ca mắc trong thời gian gần đây tuy đã giảm nhưng số ca tử vong vì COVID-19 vẫn còn ở mức cao (nếu trong 2 tuần trở lại đây bình quân mỗi ngày có khoảng 70 ca mắc thì số ca tử vong bình quân hằng ngày là 8,5 ca, chiếm 12% số ca mắc).
Đây là những vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, cần phải kiên quyết khắc phục, chấn chỉnh để thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Thưa tất cả các đồng chí,
Tổ chức y tế thế giới và các nhà khoa học, các quốc gia nhận định đại dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được trong năm 2022, nhất là biến chủng Omicron, với tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ gây quá tải cho hệ thống y tế. Dự báo trong thời gian tới, số bệnh nhân nặng sẽ tiếp tục tăng thêm; do đó, chúng ta không được chủ quan.
Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới, đòi hỏi phải có chiến lược mới, cách làm mới trong phòng, chống dịch, từng bước khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Phải có bước chuẩn bị thật tốt về kế hoạch, phương án, đặc biệt là phần hậu cần về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, ô xy,... phải được chuẩn bị trước cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022.
Từ những dự báo, yêu cầu đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đề nghị cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh phải xem công tác phòng, chống dịch vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên hiện nay; do đó, tôi đề nghị:
1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết; không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh, gây khó khăn không cần thiết cho người dân.
Đề nghị Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, ban chỉ đạo, trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch cấp huyện, cấp xã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 theo từng cấp độ dịch, không để bị động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
2. Xây dựng, triển khai tốt Kế hoạch ứng phó với biến chủng mới của vi rút Sars-Cov-2 (chủng Omicron). Triển khai thực hiện tốt “chiến lược bảo vệ nhóm nguy cơ”. Tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các F0; tăng cường điều trị, giảm ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin; chỉ đạo rà soát chặt chẽ các đối tượng, phải đi từng ngỏ, đến gõ từng nhà để bảo đảm tiêm hết cho 100% đối tượng nằm trong độ tuổi tiêm chủng, bảo đảm phân bố kịp thời, đầy đủ vắc xin cho các địa phương. Triển khai Kế hoạch tiêm vét vắc xin cho các đối tượng chưa được tiêm, hoãn tiêm và tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng, với tinh thần “Thần tốc” và “Thần tốc hơn nữa” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn.
3. Rà soát, có phương án sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả oxy y tế để bảo vệ tính mạng của người mắc COVID-19, tránh trường hợp thiếu oxy y tế ảnh hưởng đến tính mạng của người mắc COVID-19.
Xác định nhu cầu và nguồn lực của địa phương để nghiên cứu trang bị thêm Container tạo oxy hoặc đầu tư hệ thống oxy lỏng đặt tại trung tâm y tế tuyến huyện để phục vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hiện nay và để sử dụng lâu dài cho công tác điều trị bệnh thường xuyên. Trong trường hợp không đủ nguồn lực thì có thể liên kết, phối hợp đầu tư Container tạo oxy được bố trí theo cụm để chia sẻ nguồn lực.
Và trong trường hợp nguồn cung ứng ô xy y tế khan hiếm thì phải chấp nhận việc mua oxy theo giá thị trường để đảm bảo cứu mạng người bệnh trước, nhưng phải đảm bảo quy trình, thủ tục, quy định về mua sắm.
4. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế tại các xã, phường, thị trấn. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
5. Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Chỉ đạo các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 phải theo dõi, chăm sóc người bệnh nền, người có nguy cơ cao chặt chẽ trong quá trình điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong; điều trị thuốc đặc hiệu sớm cho đối tượng nguy cơ, giảm số ca bệnh nặng và tử vong.
6. Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Trạm Y tế lưu động; điều phối hoạt động của các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm khoa học, hợp lý dựa trên số ca mắc COVID-19 tại địa bàn, để người nhiễm COVID-19 được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất; kịp thời phát hiện, sơ cấp cứu, chuyển tuyến các trường hợp diễn biến nặng.
7. Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, không để học sinh học trực tuyến kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm trong thời gian qua, sự quyết tâm, trách nhiệm, chủ động của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, sự đồng thuận của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, chức sắc, tôn giáo trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Dần 2022, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi xin chúc toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị tại các điểm cầu cùng gia đình đón một mùa Xuân mới an khang, hạnh phúc; chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, thành công và gặt hái nhiều thắng lợi mới./.