Xung quanh việc nở rộ các cuộc thi nhan sắc tại Việt Nam sau khi NĐ 144 - được cho là nghị định "cởi trói" cho các cuộc thi nhan sắc có rất nhiều điều đáng bàn. Việc nới lỏng các cuộc thi là điều cần thiết nhưng "cởi mở” đến đâu thì cần dựa trên những quan điểm và chế tài hợp lý.
Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho biết, ông từng từ chối ngồi ghế giám khảo của một số cuộc thi vì không đồng thuận với cách làm chộp giật của ban tổ chức. “Tôi đã từ chối ngồi ghế giám khảo nhiều cuộc thi hoa hậu vì phản đối việc ca sĩ không tên tuổi, chuyên viên trang điểm, làm tóc, thậm chí chủ spa… không có trình độ chuyên môn cũng đi làm giám khảo.
Tôi cho rằng một năm cả nước chỉ nên diễn ra hai, ba cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia để chọn những người đẹp nhất dự thi thế giới. Và các cuộc thi đó do Nhà nước, những cơ quan có uy tín đứng ra quản lý, tổ chức, không nên để doanh nghiệp tư nhân tiến hành”, ông Hùng nói.
Cũng như Tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng, mới đây Hoa hậu Phan Hoàng Thu cũng từ chối ngồi ghế giám khảo một cuộc thi mà theo cô BTC rất “úi xùi”.
“Tôi nghĩ, với thực trạng quá nhiều cuộc thi mọc lên như nấm sau mưa hiện nay, cái danh xưng Hoa hậu đang dần bị rẻ rúng, rồi những cuộc thi chất lượng và những thí sinh có thực lực bị đánh đồng bởi những cuộc thi ao làng. Tôi rất mong các cơ quan ban ngành có trách nhiệm liên quan, nhanh chóng vào cuộc dẹp loạn, bởi tình trạng này đang loạn quá rồi, những người như tôi giờ chỉ biết thở dài ngao ngán thôi, kiểu lực bất tòng tâm vậy”, nàng hậu chia sẻ.
Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008 – Nguyễn Thụy Vân cho rằng, việc có quá nhiều cuộc thi nhan sắc sẽ gây ra sự loãng nhất định, khiến công chúng hoa mắt. Đặc biệt, khi chúng ta chỉ làm công tác hậu kiểm mà không làm công tác tiền kiểm. “Nhiều mà chất thì không sao nhưng nhiều mà không chất lượng, lại mua danh bán giải là câu chuyện đáng nói. Các bạn trẻ cần thấy được sự khó khăn để vươn tới được vinh quang chứ không phải mua danh bán giải và sau đó có những hệ lụy không tốt, ảnh hưởng tới giới trẻ”, Thụy Vân chia sẻ với VietNamNet.
Trái với ý kiến lo ngại của các nàng hậu – những người đã có trải nghiệm nhất định khi được đội lên đầu chiếc vương miện “bạc tỉ” – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - lại cho rằng hiện tượng này là bình thường. Không chỉ vậy, các cuộc thi sẽ góp phần quảng bá du lịch, văn hóa vùng miền, quốc gia, kích cầu kinh tế. “Nhiều hay ít không quan trọng mà các cuộc thi này nên được tổ chức có chất lượng. Khi chúng ta trả hoạt động này về cho xã hội tự vận hành theo đúng quy định của pháp luật cuộc thi nào có chất lượng sẽ tồn tại, còn cuộc thi nào được tổ chức không tốt tự ắt sẽ chết”, ông Vinh nói.
NSƯT Trần Ly Ly – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ, NĐ 144 có hiệu lực từ năm 2021 nhưng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên tất cả mọi hoạt động đều ngưng trệ, trong đó có hoạt động biểu diễn. Chính vì thế, ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tất cả các địa phương đều mong muốn trở lại trạng thái bình thường mới một cách đúng nghĩa.
“Nhiều sự kiện diễn ra trong đó có việc các đơn vị xin cấp phép tổ chức các cuộc thi nhan sắc và theo NĐ 144, các hoạt động này được phân cấp về địa phương. Hiện nay, Cục NTBD được lãnh đạo Bộ VHTT&DL giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bao gồm cả những vấn đề phát sinh trong thực tiễn khi thực hiện Nghị định, trên cơ sở đó có thể xem xét, đề xuất điều chỉnh hoặc sửa đổi”, NSƯT Trần Ly Ly nói.