30644f56-7430-4e87-b53b-423e1bdd0d2c.jpeg
Từ khi có tài khoản ngân hàng, việc thanh toán tiền hàng của chị Kim Thị Định (Ninh Giang, đứng ngoài cùng bên phải) đã nhanh chóng, thuận tiện hơn nhiều.

Nông dân hiện đại

Là tiểu thương kinh doanh tại khu chợ huyện Ninh Giang hơn 10 năm nay, chị Kim Thị Định, sinh năm 1972, ở xã Hiệp Lực thấy rõ sự thay đổi trong mua bán. Chỉ vài năm trước, người dân mỗi lần mua bán thịt lợn ở sạp hàng của chị đều rút ví. Nhiều bác nông dân trên tay cầm cả xấp tiền lẻ mệnh giá một vài nghìn đồng. Đếm tiền, trả tiền thừa cho mỗi khách cũng mất vài phút. Nhưng nay nhiều người chỉ giơ điện thoại quét mã QR. Nhiều khách quen gọi điện đặt trước loại thịt muốn ăn để chị chuẩn bị sẵn, rồi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, đi làm về chỉ việc qua sạp lấy.

"Không riêng sạp hàng của tôi mà gần như sạp hàng nào trong khu chợ này đều có thể thanh toán bằng chuyển khoản hoặc quét mã QR. Rất nhanh chóng và thuận tiện”, chị Định nói.

Chị Đào Thị Hảo là nhân viên một quán cà phê, trà sữa tại thị trấn Ninh Giang, cũng nhận tiền lương qua tài khoản. Sinh năm 1974, lại ít va chạm với các ứng dụng "Bấm bấm" thanh toán ở miền quê Hải Dương nên ban đầu sau khi có tiền lương chị đều phải nhờ người nhà ra cây ATM rút tiền mặt hộ.

“Có chiếc điện thoại thông minh người thân cho nhưng lúc đầu tôi không biết truy cập tài khoản chứ chưa nói đến chuyển khoản. Được các bạn nhân viên ngân hàng hướng dẫn và sau nhiều lần sử dụng, dần dần tôi đã quen”, chị Hảo chia sẻ.

7c78a5df-f46b-4372-9d65-cd8935b5a5f2-3698312279c41adc04954db4978ce1fa(1).jpeg
Được nhân viên ngân hàng hướng dẫn, giờ chị Hảo đã quen các thao tác rút tiền trên ATM.

Ứng dụng ngân hàng số đang len lỏi ngày một sâu hơn vào các mặt của đời sống người dân nông thôn. Chỉ làm ruộng và đi phụ vữa nên trước đây bà Vũ Thị Lin, sinh năm 1968 ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) không có nhu cầu dùng tài khoản ngân hàng, cũng chưa từng hình dung sẽ có ngày cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh để nhận tiền, chuyển tiền.

Ít năm trước, trong 3 người con của bà thì một người đi lấy chồng ở Hải Phòng, một người con gái khác đi lao động tại Hàn Quốc, còn người con trai đi lao động tại Ba Lan.

“Mong muốn được nói chuyện với con cháu mỗi ngày nên tôi đã nhờ mọi người dạy cách dùng điện thoại thông minh để có thể dùng Zalo gọi điện cho con cháu. Sau đó tôi mới mở tài khoản ngân hàng, giờ có việc gì cần tôi có thể chuyển khoản dù thao tác không được nhanh như các bạn trẻ”, bà Lin nói.

66425472-e056-4244-b2ab-2396235984ab.jpeg
Dù không nhanh nhưng bà Vũ Thị Lin (Thanh Miện) đã biết cách sử dụng dịch vụ chuyển tiền nhanh của Quỹ Tín dụng nhân dân.

Nông thôn số

Với 9 chi nhánh cấp II, 20 phòng giao dịch cùng đội ngũ hơn 500 cán bộ nhân viên, Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương là một trong những ngân hàng đóng vai trò quan trọng giúp người dân tiếp cận công nghệ, ứng dụng hiện đại về thanh toán số.

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Ninh Giang, “nông thôn số” không còn là câu chuyện xa vời mà đang hình thành ngày một rõ nét hơn.

“Tính đến giữa tháng 10 tại huyện Ninh Giang đã có gần 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số của Agribank, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số tăng đều qua các năm cho thấy chuyển biến tích cực từ việc thanh toán không dùng tiền mặt của người dân nông thôn”, ông Bắc thông tin.

Tính chung toàn hệ thống Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương, đến nay đã có hơn 220.000 khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử trong giao dịch, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Chi nhánh ngân hàng này hiện có 4 máy ATM đặt trên địa bàn huyện. Hơn 2 năm trước, mỗi tuần nhân viên ngân hàng phải thực hiện tiếp quỹ 3-4 lần, mỗi lần hơn 2 tỷ đồng. Nay mỗi tuần chỉ cần tiếp quỹ một lần, cũng với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho thấy người dân dần quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

4e90340d-6ccf-4f75-a57b-9a67d3ac77db.jpeg
Thu lãi thông qua phần mềm quản lý tín dụng chính sách giúp các tổ tiết kiệm và vay vốn nhàn hơn.

Hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là đội ngũ các tổ tiết kiệm và vay vốn cùng hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân trong toàn tỉnh cũng là những lực lượng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thanh toán số tại nông thôn.

Bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành ngân hàng trong những năm qua đã triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số.

“Chúng tôi hiểu rằng để người dân nông thôn quen dần với ứng dụng công nghệ số, ngoài phát triển, triển khai sản phẩm thì cần hướng dẫn tận tình, lâu dài theo hướng cầm tay chỉ việc để người dân thấy được lợi ích, sự thuận tiện khi sử dụng các ứng dụng này”, ông Vũ Tuấn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chia sẻ.

Nông thôn mới không thể thiếu những nông dân hiện đại. Với sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng, tổ công nghệ số cộng đồng, dù còn nhiều khó khăn, nhất là với lớp người cao tuổi song có lẽ hình ảnh “bấm bấm” ở nông thôn Hải Dương sẽ ngày một quen thuộc hơn.

 Theo HÀ KIÊN (Báo Hải Dương)