Tháng 1 đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đạt 88 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, con cá này của Việt Nam xuất sang Peru có mức tăng trưởng đột biến tới 2.290%.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 12 vừa qua đạt 73 triệu USD, tăng 7% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, cá ngừ của Việt Nam xuất sang nhiều thị trường như EU, Nga, Chile hay Philippines,... tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Nhật Bản lại giảm, tuy nhiên mức giảm không nhiều.
Kết thúc năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đem về gần 850 triệu USD, giảm 17% so với năm ngoái. Mỹ là khách hàng lớn nhất của cá ngừ Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu đạt 326 triệu USD, giảm 33%.
Trái ngược với Mỹ, trong năm 2023, xuất khẩu sang khối thị trường EU lại tăng 6% so với năm 2022. Đáng chú ý, Italy là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi đạt tốc độ tăng trưởng đột biến 361% so với năm 2022.
Xuất khẩu sang thị trường Israel cũng tăng 37%, đạt hơn 50 triệu USD trong năm 2023; thị trường Nga đạt gần 29 triệu USD, tăng 18% so với năm trước đó.
Những ngày vừa qua, nhiều tàu cá ở tỉnh Bình Định trúng đậm cá ngừ ngay trong chuyến biển đầu năm.
Sau hơn nửa tháng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, anh Nguyễn Minh Toàn - chủ tàu cá ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) cho tàu cập Cảng cá Tam Quan. Tàu của anh mang vào bờ 130 con cá ngừ đại dương, tổng trọng lượng 4,7 tấn.
Giá cá ngừ tuy giảm nhưng bù lại tàu đánh bắt được lượng lớn nên ngư dân lãi cao ngay trong chuyến đi biển đầu năm.
Theo số liệu từ Cảng cá Tam Quang, những ngày qua có nhiều tàu đánh bắt được từ 3-5 tấn cá ngừ. Với sản lượng này, tàu đánh bắt cá ngừ có lãi khá lớn.
Tương tự tại Khánh Hoà, ông Nguyễn Văn Ba - Trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ, thông tin, chỉ trong vài ngày đầu năm đã có 21 chiếc mang cá ngừ từ biển cập cảng Hòn Rớ. Bình quân mỗi tàu đem về 2 tấn cá ngừ, với giá bán dao động 90.000-110.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 30-40 triệu đồng/chuyến tàu.
Ở nước ta, khai thác cá ngừ là một thế mạnh. Lượng cá ngừ đánh bắt được không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2022, xuất khẩu cá ngừ lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.
Theo đó, cùng với cá tra, cá ngừ trở thành "con cá tỷ USD" thứ hai của Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu cá ngừ trong năm 2024, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, sẽ có nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng IUU đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam.
Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm nhiệt nhưng căng thẳng tại Biển Đỏ đẩy giá cước vận tải nhảy vọt khiến cho giá cá ngừ thành phẩm neo cao. Trong khi đó, lạm phát ở các nước lớn được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm nên nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục.
Cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao.
VASEP cho rằng, tất cả các yêu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm 2024.