Để kiểm tra xem con bạn có đang bị nuông chiều quá mức, hãy xem thái độ của chúng khi đối mặt với những điều sau:
Xem cách chúng đối phó với lời từ chối
Nhiều cha mẹ luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con, kể cả những đòi hỏi vô lý nhất. Đứa trẻ được cha mẹ "chiều lòng" sẽ hình thành thói quen xấu. Các em sẽ tự mặc định không ai có thể từ chối yêu cầu chúng đặt ra. Nếu bị từ chối, trẻ sẽ phản ứng rất mạnh và cảm thấy khó chịu khi nghe người khác nói "không".
Nhà trị liệu hành vi Jessica Leichtweisz cho biết để xem trẻ có được nuông chiều quá mức hay không, bạn hãy xem cách chúng đối phó với những lời từ chối của người khác.
Xem cách chúng tự phải chăm sóc bản thân
Nhiều bà mẹ nuông chiều con thường thay chúng làm hết mọi việc vì sợ con làm hỏng, làm bẩn, sợ con không làm được, hoặc không muốn để chúng phải động tay vào. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên lười nhác, ỷ lại, không biết giá trị của lao động và không biết cách tự lập trong cuộc sống sau này.
Đồng thời, vì cha mẹ ít kì vọng vào con nên chúng sẽ không có động lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi việc. Chúng dễ dàng bỏ cuộc, nản chí vì tâm lí dựa dẫm, mọi việc đã có bố mẹ lo cho rồi. Kiểu dạy dỗ này sẽ khiến con bạn gặp khó khăn, hoặc không có khả năng tự giải quyết những vấn đề của cuộc sống sau này.
Bạn hãy thôi làm thay con trong vòng một ngày thôi, để xem chúng ứng phó với cuộc sống không có sự gúp đỡ của bố mẹ thế nào là biết bạn có đang nuông chiều con quá mức không.
Xem cách chúng nhận quà
Nhận quà là một kỹ năng cần thiết, tất cả cha mẹ cần dạy con điều này từ sớm. Thông thường, trẻ thường tỏ ra vui mừng và biết thể hiện sự cảm kích khi được tặng quà, kể cả những món quà không quá giá trị.
Trái lại, nếu trẻ tỏ thái độ không vui, khó chịu khi nhận được món quà không như mong muốn, rất có thể đó là dấu hiệu của việc bị nuông chiều quá mức. "Những đứa trẻ được nuông chiều có xu hướng tức giận khi không có được thứ mình muốn", nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Nicole Arzt nói với tạp chí Best Life.
Xem thái độ của chúng đối với những gì chúng đang sở hữu
Bà mẹ nào cũng có tâm lý con là trên hết, vậy nên không có gì là khó hiểu khi con thậm chí còn sở hữu nhiều quần áo, giày dép, máy tính bảng… hơn chính bạn.
Và nếu con bạn không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì chúng đang có như đồ chơi, quần áo đẹp hay những chuyến đi du lịch, chắc chắn con bạn đã được nuông chiều quá mức.
Chúng không cần phải có riêng một máy tính bảng loại mới nhất, laptop hay quần áo hàng hiệu… Học cách chia sẻ là một điều hay, vì vậy trẻ có thể dùng chung một số đồ dùng với cả gia đình hay tận dụng quần áo của anh chị em.
Xem cách chúng giúp đỡ người khác
"Nếu bạn đang ôm rất nhiều đồ nhưng con không biết bê giúp hoặc giúp bạn mở cửa, đó là một dấu hiệu đáng báo động", chuyên gia chăm sóc gia đình Claire Barber nói.
Đây là sai lầm nhiều gia đình hiện nay đang gặp phải. Họ quan niệm con trẻ chỉ cần chăm chỉ học tập, không cần làm việc, giúp đỡ người khác. Chính quan niệm "yêu thương con" lệch lạc này khiến nhiều đứa trẻ trở nên thờ ơ với người khác và không bao giờ biết giúp đỡ, ngay cả những việc đơn giản nhất.
Theo Gia đình & Xã hội
Ông bố lái xe 260km đưa con trai 18 tuổi đi hẹn hò lần đầu
Cặp đôi trẻ tuổi quen biết nhau online trong thời gian phong toả rồi quyết định gặp mặt với sự trợ giúp từ ông bố nhiệt tình.