Game thủ thực tế
Nếu bạn hỏi một người chơi rằng có yêu thích game hay không thì chắc chắn câu trả lời là có. Tuy nhiên khi hỏi có phát cuồng vì game không thì hầu hết trả lời là không. Đây là kết quả nằm trong dự đoán bởi game thủ Việt sống rất thực tế. Mặc dù bình thường họ tìm tới game để trốn tránh hiện thực hay tạm xa rời áp lực khó khăn của cuộc sống. Tuy nhiên biết điểm dừng và cần đối diện thực tế vẫn là ưu điểm của hầu hết game thủ. Điều này giúp các thành viên phân biệt giữa chơi-học-làm và không quá say mê vào game. Một khi đã không quá say mê thì sao có thể phát cuồng.
Tình cảm yêu thích của game thủ dành cho game vừa đủ lớn để khiến họ vào chơi hàng ngày, nhưng cũng chẳng quá nhiều đến mức không miêu tả hay sống thiếu nó được. Game thủ tự lập ra quy tắc cho mình là đã cầm được thì sẽ bỏ được, nên hầu như rất ít bạn trẻ bị sa lầy vào game và vẫn có công ăn việc làm ổn định. Đối với một kẻ "phát cuồng" thì sẵn sàng đầu tư hết thời gian tiền bạc vào thứ khiến họ cuồng. Thế nhưng game thủ lại khác, họ thích chơi game miễn phí hơn và chắc chắn không chịu bỏ một cái giá quá cao chỉ để cày kéo sản phẩm mình chờ đợi đã lâu.
Không cuồng nên sẽ không dễ bị thất vọng hay đau buồn khi đối tượng mình yêu thích hâm mộ trở nên sa sút, phẩm chất kém đi. Điển hình cho điều này là một game thủ đã từng trải qua những thời kì hoàng kim của game online, từng chơi các sản phẩm hút khách. Thời gian trôi qua thì sự hoàng kim không còn nữa thì game thủ đó vẫn bước đi tiếp để trải nghiệm những điều bất ngờ sau này, chứ họ không vật vã ngồi trách móc hay than khóc về quá khứ tốt đẹp. Nói chung sự thực tế giúp game thủ kiểm soát cảm xúc rất tốt.
Phát cuồng chỉ mang đến tác hại
Việc bạn yêu thích hay hâm mộ điều gì đó là quyền tự do riêng tư. Tuy nhiên không nhất thiết phải cố gắng thể hiện nó to lớn và ảnh hưởng đến bạn nhiều như thế nào mới là chân chính của việc yêu thích hâm mộ. Đôi khi chỉ cần khắc sâu thứ tình cảm đó vào trong lòng và "yêu" trong yên lặng cũng là một cách để chúng ta trân trọng đối tượng hướng tới. "Phát cuồng" giống như một căn bệnh, một loại ám ảnh thôi thúc con người bất chấp tất cả để có thể làm mọi thứ vượt quá giới hạn bình thường. Điều này chẳng khiến cho hình ảnh về thần tượng của bạn trở nên đẹp đẽ hay nổi tiếng hơn mà chỉ giống như ví dụ cho bài học về thói quen xấu.
Game thủ mặc dù không hẳn phát cuồng vì game, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ người chơi quá say mê đắm chìm vào thế giới ảo. Game làm họ bỏ qua các nhu cầu của cuộc sống và mặc kệ tất cả. Đây chính là thái độ, biểu hiện khác của "phát cuồng", dĩ nhiên là cần tránh xa và thức tỉnh. Để kiểm tra xem bạn có "phát cuồng" vì game hay không thì hãy tự hỏi mình sống thiếu game được chăng?. Chắc hẳn chẳng game thủ nào muốn mình bị lên mặt báo hay tivi đi kèm theo từ ngữ "phát cuồng" - điều mà họ rất ghét khi đọc hoặc xem tin tức hàng ngày.