Video: Đội văn nghệ bản Nà Sự tập luyện các điệu múa truyền thống
Chà Nưa là xã miền núi của huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, có đường biên giới quốc gia dài 4,1 km. Diện tích tự nhiên của xã hơn 9.835 ha, 593 hộ với 2.820 nhân khẩu thuộc bốn dân tộc là Thái, Mông, Kinh và Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số với gần 85%.
Gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã Chà Nưa có sự thay đổi vượt bậc.
Chính quyền xã đã thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, "Gia đình 5 không, 3 sạch", vệ sinh môi trường nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xã cũng tăng cường các hoạt động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa; cải tạo ao, vườn, cổng đường ngõ xóm; tổ chức hướng dẫn quản lý vệ sinh môi trường; cải tạo hệ thống tiêu, thoát nước cũng như khôi phục các ao hồ sinh thái, trồng cây xanh nơi công cộng, xử lý rác thải...
Cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc trong xã xác định xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp. Phát triển sản xuất toàn diện nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Một trong những điểm nhấn ấn tượng của Chà Nưa là phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở bản Nà Sự. Đây nơi sinh sống của 140 hộ người dân tộc Thái với những phong tục, tập quán độc đáo. Khung cảnh nơi đây bình yên và thơ mộng như bức tranh được dệt bởi đất trời, không khí trong lành, sản vật phong phú cùng nền ẩm thực đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo những người lớn tuổi trong bản, vài trăm năm trước, thế hệ người Thái đi khai phá tại đây đã mua lại bản từ một số hộ của dân tộc khác và quyết định chọn làm nơi định cư lâu dài. Ở đây có ruộng mênh mông, ít bậc thang, suối róc rách chảy quanh bản ngày này qua tháng khác. Địa thế núi cao vây quanh, che chắn gió, trên núi có cả mạch nước ngầm, thiên nhiên ôn hòa, khí hậu dễ chịu.
Người Thái ở xã Chà Nưa đoàn kết, luôn sát cánh cùng các dân tộc anh em thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước, tuân thủ pháp luật và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên.
Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhận thấy tiềm năng du lịch của bản Nà Sự, ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ đã gợi ý triển khai mô hình du lịch cộng đồng này. Ngay sau đó, các cấp chính quyền huyện, xã cùng những người có vai vế trong bản đã lên kế hoạch, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chung tay xây dựng bản văn hóa Nà Sự, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã phát động "Ngày cuối tuần tình nguyện", kêu gọi hàng trăm đoàn viên, thanh niên Chà Tở, Chà Cang, Pa Tần, Na Cô Sa, Si Pa Phìn và Phìn Hồ tham gia giúp dân bản Nà Sự xây dựng khu du lịch cộng đồng. Hàng trăm cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đoàn thể khối huyện cũng đã đóng góp công sức cùng người dân bản Nà Sự chỉnh trang, làm đẹp không gian.
Mục tiêu lớn nhất của mô hình du lịch cộng đồng này chính là đem lại sinh kế bền vững cho bà con. Để mô hình đi vào hoạt động hiệu quả và bền vững, hệ thống quản lý đã được thành lập để điều phối các hoạt động khép kín từ khi tiếp nhận khách đến khi khách đi. Các tổ du lịch, truyền thông, hậu cần, văn nghệ... cũng được thành lập. Các hộ không tham gia vào các hoạt động du lịch được định hướng để cung cấp thực phẩm và các sản phẩm dịch vụ.
Môi trường, cảnh quan luôn được bà con giữ gìn, vệ sinh. Hộ dân nào cũng có ý thức tự tô điểm cho ngôi nhà bằng hàng rào cây xanh hay giàn hoa giấy rực rỡ. Bản được quy hoạch mới, gọn gàng, xanh - sạch - đẹp nhưng vẫn giữ được không gian truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái.
Nhiều phong trào do người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của để thực hiện cải tạo lại môi trường sống như: trồng 1.200 cây hoa ban, làm 11 tuyến đường tuần tra, bảo vệ rừng dài 36km, hay làm gần 10km đường nội đồng, xây dựng 106 lò đốt rác thải sinh hoạt. Khu vực cầu treo, có nhiều cọn nước truyền thống của người Thái tạo điểm nhấn và đặc trưng cho bản do Bí thư xã, lãnh đạo UBND xã cùng nhau làm giúp bà con.
Điện thắp sáng được đặt trong những chiếc giỏ bằng tre, bằng gỗ dọc bản. Những thùng đựng rác bằng thân cây, những lối rẽ vào nhà cộng đồng để đón khách được lát đá cuội…
Từ khi xã Chà Nưa được công nhận là xã nông thôn mới và bản Nà Sự xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, đường xá đi lại ngày càng thuận tiện. Du khách tham quan A Pa Chải (Mường Nhé) có thể ghé qua Nà Sự ăn uống, nghỉ ngơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ và thưởng thức ẩm thực Thái. Từ mọi điểm du lịch của tỉnh Điện Biên đều có cung đường dẫn đến Nà Sự, tạo ra sự liên kết, tour du lịch hấp dẫn cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Tại bản Nà Sự, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn; tham quan cảnh đẹp quanh bản; giao lưu văn hóa, văn nghệ và nghỉ ngơi tại các gia đình trong bản.
Nguồn thực phẩm trong bản một phần do bà con tự cung tự cấp theo hướng hữu cơ, còn được vận chuyển từ Hợp tác xã công nghệ cao Si Pa Phìn về. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức gà bản, cá suối chế biến theo kiểu người Thái, chấm với gia vị có hạt mắc khén. Tất cả hòa quyện hương vị khó quên của núi rừng.
Các tiết mục nghệ thuật do chị em phụ nữ dân tộc Thái thể hiện. Đó là những điệu múa truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Sau giờ lao động mỗi ngày, chị em sẽ dành thời gian hướng dẫn tập múa, tập hát.
Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa chia sẻ: “Theo chủ trương, kế hoạch đến năm 2020, xã Chà Nưa sẽ đạt nông thôn mới. Tuy nhiên, chúng tôi đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn kế hoạch 2 năm.
Thời điểm điểm du lịch cộng đồng mới hoạt động, chúng tôi phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, lãnh đạo các cấp mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức dịch vụ du lịch cho những hộ dân làm homestay.
Từ khi xây dựng điểm du lịch cộng đồng Nà Sự, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc Thái ngày càng được phát huy. Nhân dân tiếp cận với nhiều du khách trong và ngoài nước, trình độ nhận thức, dân trí cũng được nâng cao. Trước đây, sản phẩm người dân làm ra bán ở nơi xa nhưng từ khi phát triển du lịch cộng đồng, các sản phẩm bà con sản xuất được tiêu thụ tại chỗ, qua đó tăng thu nhập cho người dân".
Quỳnh Nga