Theo thống kê năm 2021, cả nước có khoảng 1,17 triệu ha cây ăn quả; trong đó, các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc có khoảng 266.000ha, chiếm 60% diện tích cây ăn quả của toàn miền Bắc. Đây là vùng cây ăn quả lớn thứ 2 của cả nước, chỉ sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiềm năng cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc trải rộng ở 14 tỉnh gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, với diện tích 95,2 nghìn km2. Tỉnh nào cũng có những dư địa, với những đối tượng cây ăn quả còn giàu tiềm năng dư địa. Việc đẩy mạnh sản xuất cây trồng lâu năm, trong đó có cây ăn quả cho phép phát triển nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao và có tác dụng hạn chế nạn du canh, du cư trong vùng, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), đơn vị có bề dày trong nghiên cứu về tiềm năng cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc đánh giá: Miền núi phía Bắc hiện có diện tích cây ăn quả khoảng trên 200 nghìn ha, chỉ chiếm khoảng trên 20% diện tích cây ăn quả trên cả nước.
Nhìn chung, miền núi phía Bắc không có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai trải rộng, thuận lợi cho canh tác, sản xuất lớn tập trung mênh mông như các tỉnh miền Nam. Song, đây lại là vùng đa dạng nhất nước về chủng loại cây ăn quả, bao gồm cả nhóm cây ăn quả nhiệt đới, nhóm cây ăn quả á nhiệt đới và cả nhóm cây ăn quả ôn đới.
Không những phát triển nhanh về diện tích, vùng còn tập trung phát triển cây ăn quả có chất lượng, năng suất cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Cơ cấu giống cây ăn quả của vùng có sự chuyển đổi khá rõ, bổ sung được giống mới có năng suất, chất lượng tốt. Các loại cây già cỗi, giống cũ, kém chất lượng dần được thay thế bằng các giống cây mới sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu được với điều kiện khí hậu thay đổi và cho trái ngon, năng suất cao. Các loại cây ăn quả chủ yếu bao gồm cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới như chuối, dứa, xoài, na…, cận nhiệt đới gồm cam, bưởi, hồng, nhãn, vải… và một số loại cây ôn đới lê, đào, mơ, mận…Nhiều loại cây được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Ôt-xtrây-lia, Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc như nhãn, vải, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ…
Các cây ăn quả phân bố rộng khắp trên địa bàn các tỉnh và đã hình thành một số vùng tập trung lớn, có tính chất hàng hóa. Trong đó phải kể đến Sơn La, địa phương tiêu biểu trong việc phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến năm 2020, Sơn La có 66,2 nghìn ha cây ăn quả, đứng đầu toàn vùng, trong đó: Diện tích xoài khoảng gần 19 nghìn ha, sản lượng đạt 46 nghìn tấn; nhãn 18,7 nghìn ha, sản lượng đạt 71 nghìn tấn; mận, mơ 11,5 nghìn ha, sản lượng đạt 62,4 nghìn tấn; chuối 5,4 nghìn ha, sản lượng đạt 46 nghìn tấn; cây có múi (cam, bưởi) 4,5 nghìn ha, sản lượng gần 16 nghìn tấn… Tiếp đến là Bắc Giang, diện tích trồng cây ăn quả toàn tỉnh năm 2020 đạt 51,2 nghìn ha, trong đó diện tích trồng vải thiều 28,1 nghìn ha, chiếm 55% tổng diện tích cây ăn quả của toàn tỉnh, sản lượng đạt 165 nghìn tấn; diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) trên 10,7 nghìn ha, sản lượng đạt 83 nghìn tấn. Sản phẩm quả vải của Bắc Giang được xuất khẩu vào thị trường truyền thống là Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu yêu cầu tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản, Ôt-xtrây-lia, EU.
Cùng đó, các tiến bộ kỹ thuật mới sẽ được áp dụng vào sản xuất trên quy mô lớn như giống mới, rải vụ, cơ giới hóa, áp dụng quy trình thâm canh, VietGAP, hữu cơ, sản xuất đạt chất lượng xuất khẩu, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sơ chế, bảo quản, đóng gói, liên kết tiêu thụ...
Hiện nay, vùng đang tập trung phát triển cây ăn quả hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, sản xuất an toàn, hữu cơ, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển các cây trồng có lợi thế của vùng, tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đặc biệt, vùng sẽ tiếp tục tập trung phát triển các cây ăn quả chủ lực có giá trị kinh tế cao thông qua các mô hình sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Đi cùng với đó là đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao để đưa vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân.
Triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Sơn La và Hòa Bình sẽ hình thành và phát triển 14.000ha cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc.
Việc phát triển cây ăn quả trong khu vực sẽ giúp nông dân và địa phương phát triển kinh tế-xã hội, qua đó, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành nông nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Như Sỹ, Huyền Sâm, Nguyễn Sỹ