BẢN QUYỀN GIẢI ĐẤU LỚN: SẼ PHỤC VỤ BẰNG PHƯƠNG THỨC MỚI

Sắp tới đây, khi trật tự cũ trong lĩnh vực mua bản quyền, phát sóng các giải thể thao, sự kiện giải trí lớn... sẽ thay đổi và người dân chắc cũng sẽ phải tiếp cận dịch vụ này bằng những phương thức mới...

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử và ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã nhìn nhận về hiện trạng vấn đề này cũng như phương thức mới đó trong cuộc trao đổi dưới đây. 

Mời quý vị xem video phần I cuộc trao đổi:

Qúy vị có thể xem thêm phần II cuộc trao đổi tại đây:

Mời quý vị xem thêm video ngắn:

Không thể để tình trạng bất bình đẳng trên thị trường

 

Bản quyền nói chung, bản quyền các sự kiện thể thao lớn nói riêng là vấn đề được cả cơ quan quản lí nhà nước, đông đảo người dân hết sức quan tâm. Đặc biệt, sau sự kiện xoilac.tv vừa qua và mới đây nhất khi Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam chính thức đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép cho Facebook phát trực tiếp giải bóng đá ngoại hạng Anh, dù Facebook chưa đưa ra thông tin chính thức về việc này.

Làm thế nào để đảm bảo quyền theo dõi các sự kiện thể thao cũng như giải trí lớn của người dân, hài hòa lợi ích của bên mua, bên bán, đồng thời đảm bảo sự quản lí thống nhất của nhà nước về bản quyền là những vấn đề Bàn tròn trực tuyến muốn tìm câu trả lời.

Các vị khách tham gia chương trình hôm nay có:

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam.

MC Mỹ Hạnh: Tôi xin phép bắt đầu cuộc trò chuyện ngày hôm nay bằng một câu hỏi dành cho ông Lê Đình Cường. Ông có thể thông tin ngắn gọn thực trạng việc mua, phát sóng bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao cũng như sự kiện giải trí lớn ở Việt Nam thời gian qua?

Ông Lê Đình Cường: Từ năm 2008, chúng ta đã mua giải bóng đá ngoại hạng Anh. Từ 2008 - 2011 là mùa đầu tiên nóng lên,  Mỗi một mùa là 3 năm liền thì 3 mùa liên tiếp từ 2008 đến 2016 và 2019  chúng ta thấy, mỗi một ngày giá bản quyền tăng lên rất nhanh. Đặc biệt, chúng ta không mua trực tiếp được từ ban tổ chức ngoại hạng Anh mà mua qua các nhà phân phối, cung cấp của các hãng Truyền thông lớn trên thế giới. Giải bóng đá Ngoại hạng Anh cho 3 mùa tiếp theo 2019 – 2022 đến nay như chúng ta biết Facebook là đơn vị truyền thông lớn, mạng xã hội lớn, họ mua để cung cấp và phân phối lại trên địa bàn một số nước ở Đông Nam Á.

MC Mỹ Hạnh: Thưa ông Nguyễn Thanh Lâm, ông có ý kiến gì về ý thức người dân chúng ta, nhận thức của họ đến đâu, ý thức của họ như thế nào trong vấn đề sử dụng các chương trình nội dung số?

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ảnh Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Người dân Việt Nam rất quan tâm đến các chương trình truyền hình, đặc biệt là các chương trình có tính chất giải trí, từ trước cho đến bây giờ và một vài năm trở lại đây là trên internet, mạng xã hội.

Tôi nghĩ, ở Việt Nam đã hình thành một thói quen, người dân được tiếp cận với tất cả sản phẩm truyền hình có giá trị lớn trong và ngoài nước,  hoặc sẽ được xem miễn phí,  xem một chút quảng cáo hoặc nếu có trả tiền thì cũng không trả nhiều. Không phải do người dân  mà chuyện tại sao giá thuê bao của truyền hình Việt Nam thấp như thế lại là câu chuyện rất dài. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là tạo cho xã hội nói chung có tâm lí  những thứ xã hội quan tâm thì buộc phải xuất hiện trên sóng truyền hình. Vì vậy, sức ép, sự kì vọng của xã hội lên các hệ thống truyền hình miễn phí và trả tiền là rất lớn. Sức ép mỗi khi phục vụ khán giả chưa tốt như kì vọng của mọi người cũng là rất lớn.

Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận thực tế nó đã, còn sau đây câu chuyện được phát triển thêm thì chúng ta sẽ đi sâu thêm vào một vài khía cạnh, đặc thù.

MC Mỹ Hạnh: Vâng, vậy ông có thể chia sẻ tiếp một cách khái quát về tình trạng xâm phạm bản quyền tại Việt Nam hiện nay? Như ông nói, gần như họ có thói quen là được tiếp nhận mọi thông tin, vậy với tình trạng xâm phạm bản quyền ở Việt Nam, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã và sẽ xử lí như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Nhận định một cách ngắn gọn về thực trạng xâm phạm bản quyền ở Việt Nam, bản quyền các chương trình truyền hình và các chương trình sáng tạo nói chung,  chúng ta có thể tiếp cận trên môi trường số và môi trường mạng hiện nay có hai xu hướng.

Một là ngang nhiên, hai là tự nhiên.

Ngang nhiên thì chúng ta biết rồi. Tức là người vi phạm, người cung cấp dịch vụ ấy biết vi phạm bản quyền nhưng vẫn làm. Bởi vì có vẻ họ cảm thấy rằng cái này mang lại lợi ích. Thứ hai, chắc là những tiền lệ bị xử phạt thật nặng, thật mạnh chưa nhiều cho nên dẫn đến chuyện ngang nhiên.

Còn chuyện tự nhiên là bởi một phần đông số người Việt Nam tiếp cận chương trình trên mạng không biết chương trình ấy vi phạm bản quyền hay không. Nói thật họ cũng không có nhu cầu tìm hiểu, bởi vì truy cập vào đó, tiếp cận nó nhất là trên internet bây giờ dễ quá, chất lượng cao, xem những phụ đề tiếng Việt, thậm chí là phiên bản độ phân giải cao HD….Đó là chuyện tự nhiên và họ coi đó là một trong những tiện ích mà sống tại Việt Nam họ được hưởng như vậy.

Để xử lí câu chuyện này có hai mặt của một vấn đề. Thứ nhất, nếu nói về việc cùng bàn với nhau để xã hội nhận thức lại vấn đề này và cũng có một chút gì đó thay đổi thì câu chuyện rất dài. Đã bắt đầu từ những năm trước đây, bây giờ vẫn đang tiếp tục và có lẽ còn tiếp tục một thời gian nữa.

Chúng ta cũng thấy việc so sánh như thế là khập khiễng nhưng tôi cũng nêu lên. Đó là, thành phố Hà Nội chắc chắn muốn làm điều tốt khi đưa ra một ý tưởng, một quan điểm là sẽ có một lộ trình để khuyến khích người dân thủ đô không ăn thịt chó và sẽ hạn chế việc buôn bán thịt chó. Chúng ta thấy việc tranh luận trên mạng như thế nào rồi. Vậy câu chuyện để cho người dân không xem một sản phẩm mà họ biết rằng vi phạm bản quyền là một câu chuyện không phải dễ làm, cần rất nhiều thời gian.

Thứ hai là câu chuyện xử lí. Đầu tiên phải nói đến cơ sở pháp lí. Ở nước ta về trách nhiệm quản lí nhà nước trong lĩnh vực này bây giờ giao như sau, lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, lĩnh vực bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Còn Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn việc vi phạm về việc sở hữu trí tuệ và về bản quyền trên hạ tầng thông tin truyền thông. Có thể là trên báo, đài, internet.

Câu chuyện ngăn chặn cũng là một câu chuyện dài, có rất nhiều giải pháp và nhiều cách tiếp cận. Thời gian gần đây, nếu nói một cách ngắn gọn, tôi có thể vui mừng nhận thấy rằng, bước đầu có những kết quả. Kết quả cho thấy, các đơn vị cung cấp dịch vụ và những hạ tầng viễn thông hiện nay khi có yêu cầu từ cơ quan quản lí nhà nước là phải ngăn chặn những hành vi vi phạm bản quyền mà đã có bằng chứng rõ ràng thì nói chung, các đơn vị đã vào cuộc ngăn chặn tương đối hiệu quả.

Chúng ta có thể thấy đợt vừa qua có những giải thể thao bóng đá lớn, khi xuất hiện tình trạng vi phạm trên mạng lúc đầu có thể xuất hiện 1,2,3 ngày, nhưng sau đó gần như các nhà mạng viễn thông, các đơn vị có quyền, chức năng tham gia chặn hạ những đường links đó. Chúng ta đã vào cuộc rất hiệu quả và kết quả rất tốt.

Cần để ý, người cung cấp dịch vụ đấy, sản phẩm đấy chắc chắn họ biết là họ đang vi phạm bản quyền. Thế nhưng họ vẫn làm và trong trường hợp họ ngừng lại không làm thì thường có hai yếu tố.

Thứ nhất, nếu ở Việt Nam chưa có đơn vị nào mua chương trình đó về để phục vụ bà con, để chiếu, khai thác thương mại thì họ coi cái đó như không phải của ai cả, coi như họ lấy ra ở đâu cứ thế chiếu. Thế nhưng đến khi họ biết, được thông báo rằng có một đơn vị nào đó đã có cái này rồi và nói chung không nên lấy của nhau, khi mà đã có người sở hữu bản quyền ở Việt Nam và người ta khai thác thương mại thì thông thường, cuộc trao đổi không dẫn đến tranh cãi hoặc đôi co gì nhiều. Thường những đơn vị, đầu mối biết mình vi phạm cũng sẽ hạ chương trình thuộc sỡ hữu của người khác, nhưng những người khác đó là ở Việt Nam chứ người khác chưa biết ở đâu cả  thì chuyện đó vẫn đang tiếp tục.

MC Mỹ Hạnh: Trước thực tế mua bản quyền các giải thi đấu thể thao, giải trí lớn vừa qua cho thấy vấn đề cốt lõi nhất ở đây là liên quan đến giá cả. Bên mua là các đơn vị truyền thông của Việt Nam thì thường gặp phải giá quá cao so với hiệu quá thu được, đây cũng là thách thức khá lớn mà chúng ta đã, đang, sẽ gặp phải.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, một số đơn vị truyền thông ngày càng có thêm nhiều người biết đến họ, biết đến các dịch vụ của họ, cũng chỉ vì họ sở hữu bản quyền của một giải đấu nào đó, hoặc một sự kiện giải trí lớn nào đó. Vậy chúng ta nhìn nhận hai mặt của vấn đề này như thế nào là phù hợp?

{keywords}
Ông Lê Đình Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam. Ảnh Lê Anh Dũng

 Ông Lê Đình Cường: Chúng ta lấy điển hình là giải bóng đá ngoại hạng Anh, không phải là chỉ có Việt Nam mới cao. Thí dụ như ta biết, hình như Amazon cung cấp bản quyền truyền hình giải bóng đá ngoại hạng Anh cho chính tại nước Anh. Nhưng gần đây, theo thông tin chương trình VTV1 có làm, cung cấp thông tin tại nước Anh, người ta cũng chỉ mua một năm là 64 trận đấu cơ bản của ngoại hạng Anh thôi bởi vì giá rất cao. Chúng ta cảm thấy nó cao là bởi vì chúng ta chưa quen. Lúc nãy chúng ta nói với nhau là chưa quen trả tiền, cho nên bây giờ chúng ta thấy trả tiền là cao thật, nhưng bản thân các cái nước đó họ cũng thấy nó cao chứ không phải chỉ có Việt Nam mình thấy điều đó.

Cho nên tôi thấy rằng, việc chúng ta làm sao đạt được đến cái đích, tức thỏa thuận hài hòa lợi ích giữa người bán và người mua thì đó là cả một quá trình.

MC Mỹ Hạnh: Ông Lâm có những ý kiến gì trước những thông tin vừa đưa ra?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thứ nhất, tôi chia sẻ những ý kiến mà ông Lê Đình Cường đã nói. Về phía chúng tôi, vấn đề như chị Hạnh có gọi là vấn đề cốt lõi nhất là giá thì nó đã luôn, đang và sẽ luôn luôn tồn tại vấn đề đó. Thế nhưng từ trước đến giờ, có lẽ chỉ có một vấn đề là giá.

Từ giờ trở đi sẽ không phải chỉ có một vấn đề về giá nữa. Từ trước đến giờ nó có câu chuyện về giá, nhưng mà ở đâu đó các đài truyền hình, các hệ thống truyền hình gần như vẫn là người mua duy nhất đối với những sự kiện thể thao lớn của thế giới, có giá trị bản quyền cao. Không ông này mua thì ông khác mua, rồi lại chia sẻ với nhau. Tức là bàn với nhau, chia sẻ và quyết định với nhau việc đó trong một phạm vi hẹp là thế giới truyền hình.

Bây giờ không còn như vậy nữa. Chúng ta thấy, những mạng xã hội lớn xuyên biên giới, những cái hay gọi là "platform", những nền tảng xuyên biên giới với sức mạnh tài chính và với cộng đồng người xem cũng rất lớn. Họ bước vào  cuộc chơi bản quyền nội dung truyền hình với những phương tiện và sức mạnh gấp nhiều lần các đài truyền hình. Với những bài toán không còn là bài toán truyền thống, tức là xem xong rồi thu quảng cáo hay phát triển thuê bao nữa mà có thể có những bài toán khác nữa.

Cho nên, vấn đề quan trọng vẫn là vấn đề giá nhưng không phải là vấn đề duy nhất nữa. Vấn đề ở chỗ là bây giờ các ông truyền hình không còn một mình làm chủ sân chơi này, và cuộc chơi này có vẻ sẽ thay đổi ở một số nơi, số chỗ,  thậm chí có cả Đông Nam Á trong đó có Việt Nam chúng ta. Trong những năm tới đây, có thể chúng ta sẽ thấy thẩm quyền quyết định hoặc kiểm soát cuộc chơi này không còn nằm ở khía cạnh các đài truyền hình.

MC Mỹ Hạnh: Tôi xin được tiếp tục câu chuyện là, thực tế cho thấy nếu như bên bán mà không bán được thêm bản quyền cho Việt Nam thì họ cũng không thu được thêm một khoản, lớn hay bé thì chưa nói tới, vì thường đối với những giải đấu thể thao hay sự kiện giải trí lớn thì các đơn vị  ở nước ngoài họ thường mua trước, sau đó họ mới đem phân phối lại. Đây cũng là một lợi thế của những đơn vị trong nước khi mà đàm phán về bản quyền, về giá của bản quyền. Vậy thì các vị khách mời thấy sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Câu chuyện này có một phần đúng như vậy, nhưng chúng ta phải rất thận trọng bởi nói thì dễ mà làm thì khó.

Thứ nhất, những câu chuyện đàm phán, mua bán trong lĩnh vực này rồi đàm phán bản quyền nội dung các chương trình là quan hệ thương mại. Thông thường quan hệ thương mại có mấy điểm. Đầu tiện đó là các quyền của các doanh nghiệp, quyền của các doanh nghiệp được đàm phán, thỏa thuận với nhau hoặc không thỏa thuận với nhau. Thứ đến, thông thường các giao dịch, trao đổi, thỏa thuận là bí mật. Ví dụ như một nhà cung cấp dịch vụ này sẽ không muốn đối thủ cạnh tranh của mình biết là tôi đang làm gì và tôi có tới đây mua giải gì không? Rồi đến lúc tôi tạo hiệu ứng bất ngờ, tôi thông báo đã có bản quyền là có thể từ đó, tôi có thêm một số thuê bao.

{keywords}
Các khách mời tại chương trình Bàn tròn trực tuyến về bản quyền thể thao (ảnh: Lê Anh Dũng)

Những đơn vị nắm những bản quyền nội dung có giá trị lớn mà đặc biệt ở đây chúng ta nói đến câu chuyện thể thao, họ cũng nghiên cứu thị trường, nghiên cứu luật hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nay nên họ thừa hiểu tâm lý của thị trường ở các quốc gia nói chung sẽ diễn biến như thế nào. Cho nên tất cả những thứ mà chúng ta vừa mới nói, mới phát hiện, thực ra họ đã trải qua lâu rồi. Câu chuyện nó không đơn giản như thế.

Như vừa rồi, câu chuyện như của Asiad, nếu đắt quá không mua, đó là câu chuyện của một hàng hóa bình thường. Tuy nhiên, đây lại là hàng hóa quá đặc biệt và là tình cảm, sự quan tâm của người dân đối với sự kiện đó, lại còn gắn với chuyện các cầu thủ, các vận động viên thể thao Việt Nam, trong đó có các cầu thủ bóng đá Việt Nam vừa lập được thành tích cao cách đây mấy tháng ở Trung Quốc, bây giờ có thể đi xa và như vừa rồi thành tích của họ cũng rất ấn tượng. Thế thì việc đo tâm lý của khán giả, của xã hội để quyết định là mua hay không mua là rất quan trọng.

Như vừa rồi ta thấy có một câu chuyện rõ ràng rất đáng tiếc cho cả người quyết định không mua lẫn khán giả và cho cái chung bởi vì chúng ta không được phục vụ một cách tốt nhất trong khi chúng ta có nguồn lực để có thể mua được bằng cách này hay cách khác.

Thứ hai chúng ta để câu chuyện đó thành một câu chuyện khiến người ta cảm thấy có một cái gì đó bê bối, gây sự bực tức, thậm chí sự phẫn nộ của rất nhiều người xem truyền hình. Như chúng ta thấy, khi họ thể hiện ở riêng các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng thì rõ ràng là chúng ra muốn một kết quả tốt hơn và một cách làm tốt hơn từ nay về sau.

Cho nên việc đầu tiên tôi nghĩ, cho dù là đài truyền hình đi mua bản quyền hay một đơn vị kinh doanh bản quyền, hay một cơ quan quản lý Nhà nước đều phải nhìn vấn đề này hết sức nghiêm túc, tính đến những thói quen, những tình cảm của người dân. Nếu như có làm bất cứ một cái gì đó để dần dần có thể thay đổi nhận thức hoặc xác lập cách phối hợp, cách chơi nào đó để chúng ta có thể kiểm soát được cuộc chơi hơn thì phải làm thận trọng chứ không có một kịch bản nào là tuyệt đối đúng trong câu chuyện này.

MC Mỹ Hạnh: Chắc chắn tiền bản quyền các cái giải đấu thể thao hay sự kiện giải trí lớn sẽ tăng trong tương lai. Chủ trương không mua bằng mọi giá thì cũng chắc chắn phải được cân nhắc thấu đáo, bởi nếu lỗ mãi thì sẽ không một đơn vị nào dù mạnh đến đâu có thể chịu được. Theo các vị khách mời, đâu là một giải pháp cơ bản nhất mà các đơn vị có nhu cầu về bản quyền trong nước có thể làm để có giá bản quyền hợp lý nhất, ngoài việc người sử dụng dịch vụ cần phải nâng cao thái độ tôn trọng bản quyền cũng như quyết định chi cao hơn cho việc sử dụng dịch vụ?

{keywords}
Hai khách mời tham gia chương trình. Ảnh Lê Anh Dũng

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Có lẽ, nếu như có một ai đó chỉ ra đâu đó là giải pháp rồi, thì câu chuyện đã không phức tạp đến mức như thế này. Thay vì chỉ ra giải pháp chúng ta thử bàn, thử nói chuyện với nhau về cách để từ nay về sau sẽ làm như thế nào.

Trở lại Asiad vừa rồi thì nói với một ý là như thế này, việc Asiad sở dĩ có kết thúc, kết cục như vậy là bởi vì khi thấy rằng Việt Nam buộc phải có bản quyền thể thao Asiad thì rất nhiều cơ quan, tổ chức đã quan tâm lên tiếng. Đặc biệt,  đã có cả những chỉ đạo mang tính nguyên tắc từ cấp cao, từ lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là của Thủ tướng Chính phủ để làm sao để đáp ứng đòi hỏi chính đáng của khán giả xem truyền hình cũng như đông đảo người dân Việt Nam đối với một sự kiện thể thao ở tầm khu vực mà có vận động viên nước ta tham gia.

Điểm thứ hai là tìm cách này cách khác để giải quyết bài toán tài chính. Câu chuyện vừa rồi tôi không đi vào chi tiết nhưng tóm lại có một kết thúc tốt, có hậu là người Việt Nam đã được xem chương trình có bản quyền, không phải xem những phương thức không có bản quyền nữa.

Nhân đây tôi cũng nói rằng, chúng ta rất cần ủng hộ cho một tâm lý rằng, dù gì thì việc xem không bản quyền là không nên. Về việc cổ xúy việc xem không bản quyền là không nên. 

Nhưng nói chung, chúng ta phải rạch ròi chuyện vi phạm bản quyền về lâu dài là phải loại bỏ. Thế thì, nhờ có những chỉ đạo như vậy và có sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài tiếng nói Việt Nam, của các doanh nghiệp lớn có tiềm lực, đứng trước vấn đề đó cũng thấy rằng có thể tham gia đóng góp một phần, thực hiện trách nhiệm xã hội theo cách của họ để thỏa mãn nhu cầu xem Asiad của dân. Việc đó kết thúc có hậu và sau đó thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức hóa chỉ đạo, giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan để tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề này nhưng phải đảm bảo nhiều tiêu chí.

Thứ nhất, đảm bảo đáp ứng một cách hợp lý tốt nhất, đến mức tốt nhất nhu cầu chính đáng của người dân xem truyền hình và xem những sự kiện đó.

Thứ hai, phải đảm bảo tiết kiệm chi phí.

Tôi phải nói rằng, không có một giải pháp mà có thể nói ra công khai như thế này được. Chúng tôi sẽ có nhiệm vụ làm báo cáo gửi lên các cơ quan chức năng vì chúng tôi được giao nhiệm vụ bàn bạc, tính toán với các cơ quan, trong đó có Hiệp hội Truyền hình trả tiền để tìm cái giải pháp cho chuyện đó.

Nhưng câu chuyện này là gì, đối với thế giới đó là câu chuyện thương mại dựa trên cơ sở thỏa thuận. Nhà nước ít can thiệp mà không dễ can thiệp vào chuyện này. Nhà nước can thiệp là bằng những công cụ khác và bằng cách vận động xã hội như thế nào đó để giải quyết được bài toán tài chính và cũng một phần nào đó giải quyết bài toán phục vụ dân nhưng theo những phương thức mà có thể trong tương lại chúng ta sẽ phải làm quen dù chúng ta có thể chưa nghe nói đến nhiều.

Tôi nói ví dụ có thể trong tương lai, đến một lúc nào đó giải bóng đá, vô địch bóng đá thế giới World Cup chẳng hạn, có thể một đài truyền hình dù lớn đến mấy sẽ không đủ tiền mua cả 64 trận đấu. Thậm chí bây giờ còn đang có những bàn bạc có thể là có nhiều trận hơn nữa trong World Cup, ví dụ như thế. Thế thì sẽ có thể có những kịch bản là có một phần nào đó người dân xem được trên các phương tiện truyền thông quảng bá tức là miễn phí và xem quảng cáo. Một phần nào đó sẽ xem trong nghĩa hệ thống, ví dụ như truyền hình trả tiền, hoặc xem theo những phương thức cung cấp dịch vụ khác.

Tại các nước phát triển, khi có những chương trình không phải đáp ứng nhu cầu của quảng đại số đông nhưng có một số ít sẵn sàng trả tiền để xem chương trình đó. Bây giờ với công nghệ, việc đó là bình thường, hoàn toàn có thể phục vụ. Cho nên, chúng ta cùng bàn với nhau, giữa Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức khác trong xã hội, rồi lấy ý kiến của nhân dân, dư luận để chuẩn bị tâm lý có thể tiếp cận xem những phương thức như thế. Chúng ta sẽ tiếp cận bằng nhiều cách và trong cách thức chúng ta tiếp cận những sản phẩm dịch vụ đó cũng thể hiện cả trách nhiệm, nghĩa vụ của chính chúng ta với tư cách là người xem, người thụ hưởng dịch vụ.  Chứ không nên nghĩ mọi thứ sẽ phải vĩnh viễn, miễn phí, vô điều kiện và trong trạng tháí tốt nhất  khi  bài toán kinh tế không cho phép ta làm điều đó.

Như tôi đã đề cập, nếu như việc kiểm soát cuộc chơi này không hoàn toàn nằm trong tay các hệ thống truyền hình mà có thể rơi vào các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, đó là câu chuyện nếu có điều kiện, chúng ta sẽ đề cập. Chúng ta phải tính trong tất cả mối quan hệ đó để làm sao ở mọi trường hợp sẽ đảm bảo được quyền lợi tối đa của người xem truyền hình Việt Nam, không gây ra những thảm họa tài chính cho những đơn vị đứng ra cung cấp dịch vụ. 

Thực hiện: Hữu Khôi - Hạnh Thúy

Video: Bạt Tuấn, Xuân Quý, Huy Phúc, Đức Yên

Ảnh: Lê Anh Dũng

Facebook lấn sân truyền hình, vung tiền mua bản quyền thể thao toàn cầu

Facebook lấn sân truyền hình, vung tiền mua bản quyền thể thao toàn cầu

Sẵn sàng chi tới hàng tỷ USD để mua về bản quyền phát sóng trực tiếp các giải đấu thể thao đỉnh cao trên nền tảng của mình, có thể thấy Facebook đang muốn lấn sân truyền hình.

Facebook đang đối mặt vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan

Facebook đang đối mặt vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan

Không chỉ giới hạn ở vấn đề vi phạm bản quyền các cơ quan truyền thông, Facebook lâu nay vẫn là nơi chứa rất nhiều thông tin vi phạm bản quyền được “che chắn” bởi cái “mác”: người dùng chia sẻ.

U23 Việt Nam, bản quyền Asiad 18 và chuyện khi 'sân bóng' có thêm nhiều người chơi

U23 Việt Nam, bản quyền Asiad 18 và chuyện khi 'sân bóng' có thêm nhiều người chơi

Hi vọng, từ nay sân chơi truyền hình ngày sẽ thêm đa dạng và phong phú hơn với những “tay chơi” như VOV/VTC để phục vụ khán giả.  

Thế lực nào sẽ nuốt gọn miếng bánh 'bản quyền phát sóng' của truyền hình?

Thế lực nào sẽ nuốt gọn miếng bánh 'bản quyền phát sóng' của truyền hình?

Một thế lực của các "gã khổng lồ" sẽ nắm giữ bản quyền phát sóng các chương trình thể thao, vốn là "miếng bánh" độc quyền của các nhà đài từ trước tới nay.

Việt Nam đã có bản quyền Asiad 2018, thoải mái xem U23 Việt Nam

Việt Nam đã có bản quyền Asiad 2018, thoải mái xem U23 Việt Nam

Tin vui đến với người hâm mộ nước nhà khi được xem miễn phí các môn thi đấu tại Asiad 18, đặc biệt là dõi theo U23 Việt Nam từ vòng 1/8.

Vi phạm bản quyền tràn lan ngay trận đầu Serie A

Vi phạm bản quyền tràn lan ngay trận đầu Serie A

Tối ngày 18/8/2018 trận khai màn mùa giải Serie A 2018/2019 giữa Chievo và Juventus được nhiều người mong đợi. Theo đại diện FPT, tình trạng vi phạm bản quyền trái phép vẫn xảy ra.