Cuối cùng, trước khi bóng lăn vài ngày, một doanh nghiệp lớn đứng ra, vấn đề được giải quyết. Năm nay, chỉ có mạng xã hội đồn đoán giữa không khí im lặng của các nhà đài.
Nhưng với bản quyền World Cup, không chỉ có câu hỏi: Bao giờ đến ngày công bố? Ngày mai, ngày kia, hoặc không bao giờ… VTV, FPT, Viettel hoặc không ai cả…
Các nhà đài, hay nói đúng hơn trong thời đại 4.0, những nhà phân phối nội dung đang phải đối mặt với con số ước tính khoảng 300 tỷ đồng để được phục vụ người xem sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh. FIFA đã ra mức giá đó từ 4 năm trước, và không có lý do gì họ phải giảm đi trên thị trường Việt Nam khi cuộc cạnh tranh về bản quyền thể thao giữa các nhà phân phối nội dung hấp dẫn hơn hẳn World Cup trước.
Trong 4 năm đó, FPT đã nổi lên như một đối thủ nặng ký với việc sở hữu bản quyền Champions League, K+ tiếp tục với ngoại hạng Anh, VTV Cab trông cậy vào La Liga và các giải đấu còn lại… Để bù đắp khoản chi phí khổng lồ đó thì phép chia đơn giản cho thấy một đài truyền hình công như VTV phải thu tiền quảng cáo được khoảng 3 đến 4 tỷ đồng/trận đấu. Đây là một con số không tưởng kể cả trong thời kỳ hoàng kim nhất của truyền hình quảng bá.
Thế nhưng 4 năm trước, khi tất cả đã trở nên vô vọng thì một cái tên xuất hiện kịch tính như phim siêu anh hùng của Marvel. Khán giả lại được xem World Cup, nhà đài thở phào, doanh nghiệp cũng vui vẻ vì xuất hiện theo cách đó (dù là bất khả kháng) cũng ổn hơn là quảng bá thương hiệu bằng cách trả tiền cho các gói quảng cáo thông thường.
Vài trăm tỷ có thể là con số khổng lồ với bài toán kinh doanh của một nhà đài riêng lẻ. Nhưng bài toán chung tay giữa các nhà phân phối nội dung và doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi. Việc này không phổ biến lắm trên thế giới nhưng cách mà người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng vào việc được xem World Cup miễn phí thì cũng đâu giống với bất cứ quốc gia nào. Đấy là chưa kể đến việc các nhà phân phối nội dung ở Việt Nam đang ở một trạng thái rất phù hợp để chia sẻ gói bản quyền này.
Những đơn vị phát sóng truyền hình trên nền tảng truyền thống (VTV, HTV, VTC…) kết hợp với một nền tảng phát sóng trên nền tảng internet (FPT, VieOn, TV360…) thì đâu có giẫm chân lên nhau nhiều lắm. Thế nên, không có gì phải quá bi quan về triển vọng tiếp tục được xem World Cup 2022 theo cách thông thường.
Việc lúc nào mua, lúc nào công bố bản quyền của một sản phẩm đáng giá như World Cup tất nhiên là ảnh hưởng lớn đến chiến thuật kinh doanh. Chuyện giá cả biến động từng ngày của chiếc Iphone 14 và thời điểm được kích hoạt (dù đã mua) chẳng phải là một minh chứng rất sống động cho việc này sao.
Giờ hãy nhìn rộng hơn và đặt ra câu hỏi. Bao giờ thì người hâm mộ Việt Nam hết thấp thỏm vì việc được xem World Cup miễn phí? Từ chuyện của giải Ngoại hạng Anh mà nói thì câu trả lời là: đến khi nào chúng ta phải trả phí để xem World Cup thì chuyện thấp thỏm mới kết thúc.
Thực ra trong thời đại của mạng xã hội, sức ép của “công chúng” cũng rất là khó nói. Bao nhiêu người thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài xem bóng đá qua kênh quảng bá? Bao nhiêu người không thấy phiền lòng nếu đăng ký thêm một gói thuê bao? Và cuối cùng lực lượng không nhỏ những người hàng tuần vẫn xem bóng đá quốc tế qua những trang web lậu vốn không xa lạ gì.
Thế nên có khi “thấp thỏm” cũng là cảm giác thú vị mà chúng ta nên tận hưởng trước khi nó biến mất. Sáu năm trước đánh dấu thời điểm mà giải đấu lớn gần nhất chia tay kênh quảng bá bước vào thế giới của truyền hình trả tiền. Champions League thuộc về K+, sau đó là FPT, cũng đâu có cơn sốt nào đòi hỏi phải được xem miễn phí giải đấu danh giá hàng đầu châu Âu nữa đâu.
Và nếu có cơn sốt thì biết đâu lại có những “người hùng” xuất hiện. Giờ chuyện bình thường ở mỗi gia đình nếu phải có vài loại thuê bao để xem đầy đủ các giải thể thao quốc tế. Nhưng khán giả Việt Nam sẽ không sớm phải trả tiền để xem một giải đấu lớn như World Cup.
Lý do chính là những sự bắt tay kể trên, các doanh nghiệp bắt tay với các nhà phân phối nội dung nhằm “phục vụ lợi ích chung của cộng đồng”, hoặc các nhà phân phối nội dung kết hợp với nhau. Đây là con đường dễ đoán trước dựa trên xu hướng của thế giới.
Anh là nước phát triển hiếm hoi khán giả vẫn xem miễn phí toàn bộ 64 trận đấu của World Cup nhưng là trên kênh của các đài truyền hình khác nhau. 32 trận trên sóng BBC và 32 trận còn lại trên ITV. Rồi khi không thể làm như vậy nữa thì vẫn luôn có các gói sản phẩm khác nhau đáp ứng túi tiền của mọi khách hàng là truyền hình công.
Ở Đức hay Pháp, các đài công phát sóng một số lượng nhất định các trận đấu, trong đó bắt buộc có các trận của đội tuyển quốc gia nước mình, trên kênh quảng bá. Phần còn lại khán giả sẽ phải trả tiền để xem trên nền tảng số.
Một điều có thể cản trở các nền tảng phát sóng trực tuyến quyết tâm kinh doanh món hàng lớn như World Cup chính là nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam.
Nhưng xu hướng bản quyền truyền hình cũng như lĩnh vực và nó phụ thuộc rất nhiều, đó là công nghệ, sẽ vô cùng khó đoán trước.
Biết đâu chúng ta sẽ sớm chấp nhận chia tay World Cup và Euro miễn phí như cách đã xảy ra với các giải đấu khác. Rồi đến ngày các giải đấu của đội tuyển quốc gia trở thành câu hỏi lớn thì mới thực sự vấn đề.