Bất cứ ai đặt chân tới Nhà trưng bày Hoàng Sa tại Đà Nẵng đều cảm nhận rõ niềm tự hào dân tộc cũng như những bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Hoàng Sa và Trường Sa luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim hàng triệu người Việt Nam suốt bao đời nay. Ngay từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là lãnh thổ vô chủ và có thể nói là quốc gia duy nhất thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này. Đây cũng là hai quần đảo không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế này được minh chứng trong nhiều tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của Nhà nước, bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu giữ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Đó là Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá, tự Công Đạo (1686); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Đại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Đại Nam thực lục chính biên (1844-1848), Việt sử cương giám khảo lược (1876), Đại Nam nhất thống chí (1882); Dư địa chí Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (1910); Quốc triều chính biên toát yếu (1910), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd, Đại Nam nhất thống toàn đồ (Bản đồ chính thức của triều Minh Mạng)...
Đặc biệt, bộ Atlas thế giới của Philipe Vandemaelen xuất bản năm 1827 tại Bỉ có vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam xưa.
Ngoài ra, các Châu bản triều Nguyễn là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn (thế kỷ 17-18) có dấu son của vua, là bằng chứng lịch sử khẳng định, việc Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo.
Đây là các tài liệu quý giá của triều đình nhà Nguyễn để lại cho thế hệ sau, khối tài liệu Châu bản đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu cấp quốc tế.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại theo Hiệp ước Patenôtre (năm 1884), chính quyền thuộc địa Pháp đã có nhiều hoạt động cụ thể củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp đã quy thuộc hai quần đảo vào các tỉnh đất liền, đặt quân đồn trú, xây cột mốc chủ quyền, xây hải đăng, trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện trên hai quần đảo.
Trong quan hệ quốc tế, Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối các đòi hỏi chủ quyền của các nước khác đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 10/1950, Pháp đã chuyển giao quyền quản lý hai quần đảo cho quốc gia Việt Nam.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco (tháng 9/1951) - hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham dự của đại diện 51 quốc gia.
Tuy nhiên quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép ngày 19/1/1974 bất chấp luật pháp quốc tế. Do vậy những tư liệu sử liệu và bằng chứng khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam cũng như những gì cho thấy Trung Quốc đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa trái phép ra sao được giới thiệu tại Nhà trưng bày Hoàng Sa thực sự là nguồn tư liệu quý giá cho bất cứ ai quan tâm.
Phóng viên VietNamNet đã ghi lại những hình ảnh từ Nhà trưng bày Hoàng Sa