Thưa chuyên gia, ngày Tết gia đình tôi thường mua vài cặp bánh chưng để ăn và cúng gia tiên. Nhiều năm ăn không kịp, đặc biệt những năm thời tiết nóng, nên một phần bánh bị mốc. Mẹ tôi tiếc của, thường cắt bỏ phần đó đi, phần còn lại vẫn để ăn hoặc chiên, rán lên sử dụng như bình thường. Việc này có mất an toàn thực phẩm không thưa bác sĩ?
(Độc giả Lê Hải, Hà Nội)
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn:
Nói đến ngộ độc thức ăn, người ta thường chỉ nghĩ đến chất độc có trong thực phẩm và vai trò của các vi khuẩn gây bệnh, ít đề cập đến nấm mốc và độc tố của chúng. Sự thật là các bệnh do độc tố nấm gây ra không nhỏ.
Hiện nay, khoa học đã chứng minh nếu ăn phải những thức ăn nhiễm nấm mốc, chúng ta cũng có thể mắc bệnh nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở dạng ngộ độc cấp tính, song phần lớn là ngộ độc mạn tính do cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.
Người ta ước tính khoảng gần 40% số loài nấm mốc đã được biết đến có thể sản sinh ra độc tố. Tuy khác nhau, ít nhiều chúng đều nguy hiểm cho sức khỏe con người. Các độc tố nấm đều có độc. Mức độ độc của chúng cũng khác nhau. Vì vậy, khi xâm nhập vào cơ thể, chúng gây bệnh không giống nhau.
Những loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng… Tuy nhiên, những độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo nguy hiểm như ung thư gan do aflatoxin, suy thận do ochratoxin, ung thư buồng trứng do fumonisins…
Bánh chưng ngon và bổ dưỡng nhưng nếu đã bị chua, mốc, ăn vào sẽ nguy hiểm. Do độ ẩm cao và giàu chất dinh dưỡng, bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Vì vậy, để lâu, chúng dễ bị mốc. Từ lớp lá ở ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng ra và làm hỏng bánh.
Dưới tác dụng của men amilaza của một số nấm mốc, tinh bột chuyển đường glucoza thành rượu ethylic, làm bánh bị vữa tại nơi nấm phát triển và có vị cay, hăng mùi rượu. Một số chủng nấm mốc khác có những men có khả năng lên men glucoza, mantoza, tạo thành acid gluconic, acid fumatic… làm bánh bị chua.
Đáng sợ hơn, một số loại nấm mốc tiết ra độc tố cho người ăn, trong đó phải kể đến những nấm mốc thuộc họ Aspergllus và họ Penicillium. Vì vậy, chúng ta cảnh giác với bánh chưng mốc.
Với những chiếc bánh bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng… gia đình bạn phải kiên quyết bỏ. Những chiếc mới bị mốc chút ít bên ngoài, chúng ta cũng phải cắt bỏ rộng ra xung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn. Điều này để đảm bảo về an toàn thực phẩm cho gia đình.