Những ngày này trên chợ mạng, ngoài các loại bánh ngải, bánh sắn,... một số tiểu thương vùng núi Cao Bằng, Bắc Kạn lại rao bán loại bánh lạ tai, lạ mắt thu hút đông đảo bà nội trợ đặt mua. Đó chính là bánh trứng kiến.

Chị Thúy ở Hoàng Mai, Hà Nội - một tiểu thương bán bánh trứng kiến trên facebook cá nhân -cho biết: “Mỗi ngày ngoài các loại bánh ngải, bánh sắn vùng cao, mình còn bán thêm khoảng 300 chiếc bánh trứng kiến hay còn gọi là bánh ngạt. Đây là những chiếc bánh do chính tay bố mẹ và các em của mình trên Cao Bằng làm. Bởi thế, bánh rất ngon và mang đậm đặc trưng của người Cao Bằng”.

Tiểu thương này cho hay, bánh trứng kiến không có để bán quanh năm dù rất đắt khách mua. 

{keywords}
Trứng kiến thường có vào tháng 2-3 âm lịch hàng năm

Loại bánh đặc biệt này được coi là đặc sản của người Tày ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn. Nguyên liệu chính của bánh chính là loại trứng kiến. Vì phụ thuộc vào nguyên liệu đặc biệt này nên hàng năm chỉ có thể làm bánh từ đầu tháng 4 cho đến cuối tháng 5 Dương lịch, tương đương từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là thời gian sinh trưởng mạnh nhất của loài kiến đen rừng.

Chị Thúy tiết lộ, đúng như tên gọi của bánh, nguyên liệu chính để làm bánh trứng kiến chính là trứng non của kiến. Bánh được làm bằng bột nếp nương, nhân bánh là trứng kiến, được gói bằng lá non của cây vả. 

Ngoài nguyên liệu đơn giản, công đoạn làm bánh trứng kiến cũng không quá cầu kỳ. Trứng kiến non to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa lấy từ rừng về sẽ được rửa sạch, phi thơm với hành khô.

“Nhiều nhà cho thêm cả ít thịt lợn băm, lạc rang giã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn vào trứng kiến phi cùng hành. Nhưng nhà mình chỉ có nhân trứng kiến với lá kiệu, không trộn thêm thịt lợn hay các nguyên liệu khác, đảm bảo nhân bánh thơm ngon, chuẩn bánh trứng kiến Cao Bằng truyền thống”, chị Thúy nói.

{keywords}
Do đó bánh trứng kiến cũng chỉ có trong vòng 1-2 tháng

Phần vỏ bánh được gói từ bột gạo nếp nương đã được nhào nặn và cán mỏng. Sau đó, ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả, rắc nhân lên mặt bột bánh, cuối cùng là ốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.

Khi ăn bánh trứng kiến, mọi người bóc lớp lá vả (lá ngõa mật) gói ở ngoài nếu bánh có 2 lớp lá. Còn nếu bánh có 1 lớp lá thì ăn luôn được lá này. Mua bánh về chỉ cần bảo quản ngăn mát tủ lạnh, khi ăn mang ra hấp lại là có bánh ăn ngay. 

“Loại bánh này khách có thể ăn nóng hay nguội tùy theo khẩu vị vì ăn cách nào cũng cảm nhận được vị ngon rất riêng. Ngoài vị dẻo của gạo nếp, vị mềm của lá vả, người ăn còn cảm nhận rõ vị béo béo ngậy ngậy của nhân bánh được làm từ trứng kiến”, chị Thúy chia sẻ.

Món bánh dân tộc đặc trưng vùng Bắc Kạn, Cao Bằng đang được chị Thúy bán với giá 60.000 đồng/5 bánh, 120.000 đồng/10 bánh.

{keywords}
Được gói bằng lá vả non, khi ăn có thể ăn được cả lá gói bánh

“Khách đặt mua bánh kiến trứng chủ yếu là người thành phố vì bánh lạ miệng, thơm ngon. Ăn ít thì họ đặt cọc 10 chiếc ăn thử. Ăn nhiều họ mua cả mấy cọc về ăn dần. Bán hàng nhưng mình vẫn khuyến cáo, chị em nào dị ứng nhộng, ong thì nên xem xét trước khi ăn loại bánh này”, chị Thúy lưu ý.

Là người từng đến Bắc Kạn nhiều lần vào tháng 5 dương lịch, chị Thu Hòa ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội nhiều lần được thưởng thức món bánh trứng kiến thú vị này. 

Năm nay, do không lên được Bắc Kạn, chị Hòa thấy tiểu thương bán loại bánh này trên mạng liền đặt mua 3 cọc bánh (mỗi cọc 10 chiếc) về cả nhà ăn.

“Mình ăn loại bánh này nhiều nên biết rõ, không phải trứng loài kiến nào cũng được lựa chọn để làm bánh đâu. Người Bắc Kạn chỉ tìm loại kiến đen, to làm tổ trên các cành cây, vách núi cao bởi trứng thường ngon và sạch. Ăn loại bánh này cả nhà mình nghiện luôn", chị Hòa kể. 

Thảo Nguyên