Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng đánh giá, hiện tại do tác động của Elnino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương), số lượng bão hoạt động trên Biển Đông cũng như tác động đến đất liền Việt Nam ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Bắc Bộ và Trung Bộ nóng hơn trung bình nhiều năm
Theo dự báo, nhiệt độ trung bình thời kỳ từ 21/7-20/8 tại Bắc Bộ và Trung Bộ cao hơn từ 0,5-1,0 độ, các khu vực khác phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0,5 độ.
Trong thời kỳ này, tổng lượng mưa tại vùng núi và Trung du Bắc Bộ, khu vực Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; khu vực Đồng bằng, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn TBNN từ 5-20%.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện trong những ngày cuối tháng 7 và tiếp tục còn xuất hiện đan xen với các đợt mưa trong tháng 8 tại các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, riêng Trung Bộ có thể xảy ra những ngày có nắng nóng gay gắt trong thời kỳ dự báo.
Hiện tượng mưa dông lốc, sét, có thể kèm theo mưa đá vẫn tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tại khu vực Bắc Bộ, mưa sẽ tập trung nhiều trong khoảng nửa đầu tháng 8.
Khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão số 2
Trong giai đoạn từ ngày 21/7-20/8, dự báo có khoảng 1- 2 cơn áp thấp nhiệt đới/ bão (bão số 2, bão số 3) hoạt động trên Biển Đông.
Trước đó, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên dải hội tụ nhiệt đới hình thành bão Talim (bão số 1) vừa qua đã hình thành thêm các vùng xoáy thấp mới. Vùng áp thấp này có khả năng sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và bão.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, khả năng cao đây sẽ là cơn bão số 2 ảnh hưởng đến nước ta trong những ngày cuối tháng 7.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của rìa ra phía Nam hoàn lưu sau bão số 1 (bão Talim), miền Bắc tiếp tục có mưa, đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi...
Hiện nay, theo ảnh mây vệ tinh và các dự báo của nhiều trung tâm uy tín của thế giới, dãy hội tụ hay còn gọi là vùng nhiễu động đang tiếp tục phát triển thành vùng áp thấp vào đêm ngày 24 rạng sáng 25/7 và khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Theo chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, không loại trừ khả năng vùng áp thấp mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 trên khu vực giữa Biển Đông.