- Đại dịch Covid-19 đã tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, gây nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo bà, áp lực các nữ doanh nhân tại Việt Nam phải đối mặt trong quản trị doanh nghiệp trước và sau đại dịch có gì khác biệt?
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ đối với từng cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp tại các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó, đặc biệt phải kể đến nhóm nữ doanh nhân. Trong năm 2021, 64% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chịu tác động mạnh mẽ bởi khủng hoảng toàn cầu, so với tỷ lệ 52% tại các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.
Theo Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard năm 2021 (MIWE 2021), Việt Nam xếp hạng 21 trên tổng số 65 nền kinh tế, hạ một bậc so với vị trí thứ 20 của năm 2020. Chỉ số này xuất phát từ thực tế đa số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoạt động trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch.
Tuy Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi trong cơ hội kinh doanh, phát triển sự nghiệp, tiếp cận dịch vụ giáo dục và tài chính, đi cùng với đó là sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận vốn.
- Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân 2021 của Mastercard cho thấy các nữ doanh nhân tại Việt Nam đứng thứ hạng cao trong bảng xếp hạng các nữ doanh nhân trên thế giới. Bà có nhận xét gì về điều này?
Nữ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kiên cường và mạnh mẽ, thành công trong việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức khổng lồ từ khủng hoảng đại dịch toàn cầu.
Tốc độ tham gia vào các hoạt động kinh doanh của phụ nữ tại Việt Nam không chỉ ngang bằng mà còn nhanh hơn nhiều so với nam giới, với tốc độ tăng trưởng chạm ngưỡng hơn 20%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam đạt 69,3%, là một trong các nước có tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ điều hành 26,5% số doanh nghiệp trên cả nước, tạo ra doanh thu trung bình hàng năm tương đương với nam giới.
Những nỗ lực của các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp của họ duy trì hoạt động và gặt hái được nhiều thành công mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề thách thức trong xã hội.
- Theo bà, cần có những nỗ lực ra sao để hỗ trợ tốt hơn cho các nữ doanh nhân trên hành trình đưa doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng?
Trong hành trình phục hồi, thúc đẩy số hóa thương mại sẽ là yếu tố cốt lõi nhằm hỗ trợ các nữ doanh nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng chuyển đổi số tại Việt Nam chủ yếu được áp dụng tại một nhóm nhỏ các nữ doanh nhân trẻ, sống tại các thành phố lớn.
Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức để áp dụng công cụ chuyển đổi số một cách hiệu quả trên quy mô rộng lớn, thông qua xây dựng những sáng kiến và cơ sở hạ tầng giúp nâng cao kiến thức về công nghệ, cũng như những lợi ích thiết thực mà các công cụ này mang lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ cũng cần được tiếp cận với hệ thống ngân hàng số và các công cụ số một cách dễ dàng, đồng thời cần mở ra một hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số thuận tiện để giúp họ nâng cao cơ hội kinh doanh xuyên biên giới.
Tại Mastercard, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các tổ chức tài chính trong việc triển khai những sáng kiến và chương trình hành động nhằm trao quyền cho các nữ doanh nhân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế.
Trong tầm nhìn dài hạn, Mastercard tập trung hỗ trợ các nữ doanh nhân tiếp cận với các dịch vụ và giải pháp phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới, giúp doanh nghiệp của họ gia tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển các mối quan hệ đối tác giúp phụ nữ có thể tham gia sâu rộng hơn vào hệ thống tài chính.
Là một phần trong cam kết toàn cầu hỗ trợ 25 triệu nữ doanh nhân tham gia vào nền kinh tế số đến năm 2025, Mastercard đã hợp tác với tổ chức CARE hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 1.000 nữ doanh nhân quy mô nhỏ tại Việt Nam.
Cùng với CARE, Mastercard cũng hợp tác cùng Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), VPBank và Canal Circle nhằm tạo ra các dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu của các nữ doanh nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lưu động, dịch vụ tiết kiệm và bảo hiểm cho kế hoạch mở rộng kinh doanh trở nên thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, Sáng kiến Thắp lửa do Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard tài trợ cũng đảm bảo tạo ra nhiều cơ hội hơn và tăng cường trao quyền cho các nữ doanh nhân.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Châu (thực hiện)