BÁO CÁO

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

(Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV)

 

Từ sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các thành viên của Mặt trận. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV như sau:  

I. TÂM TƯ, NGUYỆN VỌNG, Ý KIẾN CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

1. Về kết quả Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Cử tri và Nhân dân phấn khởi trước thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là thành công tốt đẹp Đại hội XIII của Đảng, Đại hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của dân tộc, của đất nước ta; định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của Nhân dân; công tác nhân sự được tiến hành dân chủ, khách quan, các đồng chí được bầu vào Trung ương tiêu biểu về trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng phát triển đất nước.

2. Về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026     

Cử tri và Nhân dân quan tâm nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và mong muốn cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp; đại biểu được bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những người có đức, có tài, quyết liệt trong hành động, tất cả vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc và sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

3. Về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, có các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân, đồng thời quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vacxin phòng COVID-19. Cử tri và Nhân dân còn lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, gây khó khăn rất lớn đến sản xuất - kinh doanh và đời sống Nhân dân; lo ngại trước tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và tình trạng khai báo y tế thiếu trung thực.

4. Thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

4.1. Về sản xuất - kinh doanh và đời sống Nhân dân

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng[1], góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước[2]. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai ở miền Trung; rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc; xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển và là "Trụ đỡ" cho nền kinh tế; sản xuất công nghiệp có những khởi sắc[3].

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh vẫn phải ngừng hoạt động hoặc giải thể[4]; đời sống của một bộ phận nhân dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn[5]. Ngành thương mại, dịch vụ bị tác động tiêu cực. Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp. Chất lượng dịch vụ, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn.

4.2. Về văn hóa và giáo dục

Về lĩnh vực văn hóa: Cử tri và Nhân dân đồng tình với việc dừng tổ chức các lễ hội đầu năm cho phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và có nhiều chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng trước tình trạng phát tán các bài viết, hình ảnh phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh[6].

Về lĩnh vực giáo dục: Cử tri và Nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi[7].

4.3. Về an ninh, trật tự và an toàn xã hội

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao lực lượng Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các cấp về những kết quả trong phòng, chống, đấu tranh, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; quyết liệt trong xử lý các đối tượng, băng nhóm tội phạm, buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật, tín dụng đen, lừa đảo; đánh bạc qua mạng, cho vay nặng lãi; khai thác tài nguyên trái phép[8]; buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng[9]; tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em còn xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong Nhân dân[10].

4.4. Về công tác đối ngoại

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao những kết quả toàn diện trong công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước[11] và đối ngoại Nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đối ngoại đã được điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả. Quan hệ hợp tác với các nước, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.

5. Về hoạt động của bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đổi mới trong hoạt động[12]; nâng cao hiệu quả công tác giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động chất vấn và tranh luận tại các phiên họp được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Sự quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo, chủ động trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ đã góp phần quan trọng vào ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cử tri và Nhân dân mong muốn việc xây dựng chính sách pháp luật phải tiếp tục được đổi mới, tránh chồng chéo; cần lấy ý kiến góp ý và tiếp thu phản biện thiết thực hơn. Cử tri và Nhân dân cho rằng, việc thực hiện một số chính sách còn chậm, nhất là vấn đề lao động, việc làm. Còn những hạn chế trong thực hiện các chương trình giảm nghèo vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; bảo hiểm xã hội, an toàn lao động; chất lượng khám chữa bệnh và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Một số công chức, viên chức còn quan liêu, hiệu quả làm việc thấp. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu phát triển của đất nước.

II. NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI, NHÂN DÂN VÀ ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 10 (Phụ lục 2) và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (Phụ lục 3). Tại kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề như sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo Nhà nước bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Thứ ba, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp.

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện các kiến nghị của cử tri, Nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV (Phụ lục 3).

Trên đây là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo việc thực hiện tới Đoàn Chủ tịch, cử tri và Nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

 

PHỤ LỤC 1

(Kèm theo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của

cử tri và Nhân dân tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV)



[1] Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã được khởi công xây dựng như: Sân bay Long Thành; dự án cao tốc Bắc-Nam; các dự án giao thông miền Tây nam bộ...
[2] Tiếp tục thực hiện văn bản số 1259/TTg-KTTH ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
[3] Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2021 tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%, đóng góp 21,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 16,3%, đóng góp 1,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm. (Báo cáo số 16/BC-TCTK ngày 28/01/2021 của Tổng cục thống kê về tình hình KT-XH tháng 1/2021).
[4] Tháng 01/2021 có 25.752 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
[5] Chỉ tính riêng thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Chữ Thập đỏ, Hội Phụ nữ các cấp đã vận động nguồn lực và hỗ trợ khoảng 9.034.000 lượt người nghèo và cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và đối tượng bảo trợ xã hội, công nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá khoảng 6.393 tỷ đồng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã trích từ Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và chủ trì vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trực tiếp đi thăm, tặng quà tết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng 1.816.000 suất quà trị giá khoảng 910 tỷ đồng (bình quân mỗi suất khoảng 500.000đ). Năm 2021 so với năm 2020 tăng hơn khoảng 690.000 suất với giá trị khoảng 410 tỷ đồng... (Báo cáo số 293/BC-MTTW-BTT ngày 17/02/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp kết quả tặng quà tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021).
[6] Tường hợp Nguyễn Văn Hưng (tức Hưng Vlog, 28 tuổi, trú tại Bắc Giang) liên tục bị Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang xử phạt vì các clip có nội dung phản cảm; ngày 13-11, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ Thông tin - truyền thông đã xử phạt hành chính đối với Bùi Xuân Huấn (36 tuổi, quê Yên Bái) vì cung cấp, phát tán thông tin giả mạo Đài Truyền hình Việt Nam trên Facebook cá nhân “Huấn hoa hồng”; vụ việc chủ kênh Youtube Thơ Nguyễn đăng clip có nội dung bùa ngải, truyền bá mê tín dị đoan vào ngày 25, 27/2....
[7] Vụ việc đánh bạn tại trường THPT Lang Chánh, Thanh Hóa; vụ việc 2 nữ sinh trường cấp 2 ở Biên Hoà bị nhóm học sinh chặn đường, đánh dã man gây phẫn nộ dư luận; vụ việc nữ sinh cấp II ở thành phố Thanh Hóa đã bị nhóm bạn đánh hội đồng; việc đánh học sinh tại trường THCS Tân Bình, TP Điện Biên Phủ 12/2020...
[8] Công an tỉnh Quảng Ninh vừa triệt phá, bắt giữ vụ tổ chức khai thác than trái phép trị giá khoảng 200 tỉ đồng tại các khai trường thuộc quản lý của Công ty than Hạ Long - TKV tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả; Cơ quan CSĐT Bộ Công vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng là Phạm Xuân Hưởng (cầm đầu), Bùi Ngọc Huy, Nguyễn Văn Bắc, Phạm Minh Tuấn về tội: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” do tổ chức khai thác cát trái phép tại khu vực cửa biển Cửa Đáy, tỉnh Ninh Bình; Công an H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) bắt quả tang ông Hồ Ngọc Thạch (63 tuổi, trú xã Tân Lập, H.Hàm Thuận Nam) đang khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực thôn Lập Phước, xã Tân Lập, H.Hàm Thuận Nam....
[9] Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai vừa ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Thanh Trung, là đối tượng chuyên mua bán hóa đơn giả để tiêu thụ xăng giả trong chuyên án 920G về buôn lậu, sản xuất hàng triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu; C03 Bộ Công An phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ hàng trăm tấn hàng lậu tại Quảng Ninh; từ ngày 16/12/2020 dến 15/01/2021 toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ tổng cộng 803 vụ việc vi phạm với số tiền khoảng hơn 500 tỉ...
[10] Vụ việc xâm hại trẻ em tại Quận Hà Đông, Hà Nội vào tháng 02/2021; vụ nữ sinh 12 tuổi bị hai thiếu niên thay nhau khống chế hiếp dâm ở Nghệ An; vụ công nhân máy xúc hiếp dâm con gái chủ nhà tại Bắc Kạn; ngày 26/2/2021, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội), Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá một đường dây mua bán trẻ sơ sinh với quy mô lớn sang Trung Quốc...
[11] Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19; linh hoạt tổ chức trực tuyến thành công nhiều hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 cùng các hội nghị với các đối tác đối thoại chủ chốt...; Việt Nam cũng đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy nghị quyết của Đại hội đồng LHQ thông qua lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với số nước đồng bảo trợ kỷ lục 112 nước; tham gia của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tiếp tục được tăng cường. Nhiều sáng kiến, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực khác như ASEM, APEC, G20, WEF, các cơ chế Tiểu vùng Mekong… được các nước ủng hộ, đánh giá cao.
[12] Tính đến hết tháng 02/2021, Quốc hội Khóa XIV đã xây dựng và ban hành 72 luật, 18 nghị quyết quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành 2 Pháp lệnh và 23 nghị quyết quy phạm pháp luật trong đó có nhiều luật quan trọng, làm nền tảng trong hệ thống pháp luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Ban hành văn bản QPPL; Luật đầu tư; Luật Doanh nghiệp...