Truyền thông toàn cầu đã có phản ứng đa chiều về "ấn bản của những người sống sót" thuộc tạp chí trào phúng Charlie Hebdo với trang bìa in hình biếm họa Đấng tiên tri Mohammed. Chủ yếu là tức giận, bất bình và lo lắng.
TIN BÀI KHÁC:
Sau khi hứng chịu một vụ xả súng thảm khốc khiến 12 người phải thiệt mạng, Charlie Hebdo ra số báo mới nhất ngày 14/1 và dù lượng phát hành lên tới 3 triệu bản, gấp 50 lần thông thường, báo vẫn bán hết từ sáng tinh mơ. Ngay lập tức, các hãng tin trên toàn cầu có phản hồi về nội dung số báo mới, với đủ các kiểu tâm trạng tức giận, lo lắng và tỏ tình đoàn kết.
Báo New York Times viết ngay trên trang nhất về sự lo ngại Charlie Hebdo có thể "gây thêm bạo lực". Còn cây viết Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akyol kêu gọi thế giới Hồi giáo nới lỏng khái niệm về sự báng bổ.
IRINN lên án Charlie Hebdo. |
Nhiều tờ báo của người Hồi giáo ở Trung Đông, thậm chí là những tờ ôn hòa, đã chỉ trích kịch liệt hình biếm họa Đấng tiên tri Mohammed của Charlie Hebdo.
"Charlie Hebdo vẫn tiếp tục khiêu khích" - đó là nội dung một tít bài trên trang nhất của nhật báo Jordan Al-Dustour. Còn trên báo Echourouk của Algeria, cây viết Habib Rashdin lên án Chính phủ Pháp giúp cấp tiền cho ấn bản mới của Charlie Hebdo, cho rằng điều này "vi phạm mọi ranh giới đỏ, và là một chiến dịch công khai chống lại người Hồi giáo".
Kênh truyền hình chính thức của Iran IRINN miêu tả bức biếm họa của Charlie Hebdo là "một hành động khiêu khích". Đăng tải một phần trang bìa với hình Mohammed đã bị cắt bỏ, kênh Press TV của Iran cảnh báo bức biếm họa "sẽ khấy động thêm thù hằn".
Ở Thổ Nhĩ Kỹ, Yeni Akit - một tờ báo ủng hộ đảng cầm quyền Hồi giáo - mở một cuộc công kích mạnh mẽ chống lại Charlie Hebdo nói riêng và phương Tây nói chung, dưới tiêu đề "Sự đê tiện tiếp diễn".
Báo này tuyên bố: "Bất chấp những diễn biến nguy hiểm, tạp chí ngạo mạn Charlie Hebdo và truyền thông phương Tây, dưới áp lực của sức mạnh Do Thái, đã tiến hành các cuộc tấn công hèn nhát chống lại người Hồi giáo và thế giới đạo Hồi".
Số phát hành mới nhất của Charlie Hebdo được mua hết ngay sau khi phát hành. |
Tuy nhiên, nhật báo Cumhuriyet đối lập đã in lại 4 trang ấn bản mới của Charlie Hebdo để thể hiện tình đoàn kết, mặc dù không in lại trang nhất có hình biếm họa Mohammed. Việc làm này của Cumhuriyet đã khiến cảnh sát tập kích vào nhà in của báo đêm ngày 13/1, nhưng ấn bản vẫn được phép phát hành vì không có hình Đấng tiên tri đạo Hồi.
Một số nhà bình luận kêu gọi Pháp và các nước khác hãy cấm xúc phạm tôn giáo và các nhân vật tôn giáo, cho rằng nếu không cấm sẽ càng khuyến khích chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo gia tăng.
Charlie Hebdo đã quyết tâm ra số báo mới nhất với trang bìa in hình Đấng tiên tri Mohammed đang khóc cầm tấm biển "Tôi là Charlie" bên dưới dòng chữ "Tất cả đều được tha thứ". Luật sư của Charlie Hebdo, Richard Malka cho biết, điều quan trọng cần thể hiện là các nhân viên còn lại của tạp chí sẽ "không nhượng bộ" trước chủ nghĩa cực đoan.
Hôm 7/1, Charlie Hebdo bất ngờ trở thành nạn nhân của một vụ xả súng đẫm máu với 12 người thiệt mạng, mà nguyên nhân được cho là bởi trang bìa của tờ báo này in tranh biếm họa Đấng tiên tri Mohammed của đạo Hồi.
Cùng với các cuộc khủng bố khác liên quan, Pháp đã tăng cường an ninh tại các điểm nhạy cảm, với hàng nghìn cảnh sát được huy động bảo vệ các trường học Do Thái. Lo ngại an toàn tính mạng, nhiều người Do Thái quyết định rời nước Pháp trở về Israel, với con số ước tính lên tới ít nhất 15.000 người trong năm 2015 sau những gì vừa xảy ra.
Thanh Hảo