Theo Thủ tướng, báo chí đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo đường lối của Đảng và quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.
Vai trò của báo chí kể từ khi thành lập đến nay đã được Đảng xác định rất rõ là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị - tư tưởng. Báo chí cách mạng Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng. Bác Hồ khuyên những người làm báo trong bức thư gửi Lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc năm 1949, đó là mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm.
Trong chặng đường 98 năm qua, báo chí đã thực hiện đúng vai trò chức năng Đảng giao phó. Nhiều nhà báo đã trở thành những cá nhân anh hùng, nhiều cơ quan báo chí đã trở thành tập thể anh hùng. Trong công cuộc giải phóng dân tộc, lớp lớp nhà báo đã ra trận. Những trang báo, thước phim của họ nóng bỏng hơi thở chiến trường, đỏ thắm dòng máu của các chiến sĩ hy sinh.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Đặc biệt, báo chí tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Bên cạnh đó, báo chí còn đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua, có vai trò quan trọng của báo chí. Nhiều vụ việc được phanh phui bởi các nhà báo hoặc từ tin, bài trên báo chí. Bắt đầu từ tấm biển đăng ký xe xanh của một phó chủ tịch mà sau này cả một đường dây tham nhũng được phanh phui. Hay những điều tra về một cánh rừng bị triệt hạ, một dự án khuất tất, một cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư từ… than để có những chuyên án mở ra…
Báo chí đã tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế... Cái tích cực của báo chí không chỉ phản ảnh đưa tin, phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc mà quan trọng hơn là phải đưa ra giải pháp cho từng vấn đề. “Báo chí giải pháp” là đóng góp tích cực, có tính xây dựng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây và chống là hai mặt của một vấn đề. Báo chí không chỉ nêu lên những tiêu cực của xã hội mà quan trọng hơn là chỉ ra những điển hình tiên tiến, những tấm gương trong cuộc sống. Những điển hình tiên tiến đó cũng chính là con đường, tìm ra giải pháp biến một cá nhân từ xấu thành tốt, từ nghèo thành giàu, từ lạc hậu đến tiên tiến…
Muốn xã hội thành công thì chỉ có xây. Chống tham nhũng cũng là xây. Chống để loại bỏ những “bầy sâu” làm cho xã hội tốt đẹp lên.
Báo chí cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, lên án cái xấu, cái ác, cái tiêu cực; chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống…cũng là xây dựng để những người đi sau không mắc sai lầm, khuyết điểm, tránh được những cạm bẫy, những “viên đạn bọc đường”, kẻ thù giăng ra hoặc phút yếu lòng vì “ lợi ích”...
Trong thế giới “phẳng” không cách ngăn thì việc bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng lại càng quan trọng. Kẻ thù không bao giờ từ bỏ thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc lôi kéo. Phản bác thông tin xuyên tạc, xấu độc, sai sự thật là nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch, chống phá trên mọi lĩnh vực.
Danh hiệu nhà báo thật cao quý. Những thế hệ nhà báo đã tiếp nối nhau làm cho tinh thần “bút sắc, lòng trong, mắt sáng” luôn là niềm tự hào của các thế hệ nhà báo. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhà báo chưa nỗ lực rèn luyện cả về đạo đức và nghề nghiệp. Nhiều người làm báo cảm thấy báo chí có quyền lực và ngộ nhận về quyền lực, sử dụng quyền lực ấy một cách sai trái. Thậm chí, một số nhà báo ảo tưởng về nghề nghiệp, lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi...
Gần 100 năm truyền thống của những người làm báo là cả một chặng đường lịch sử vẻ vang. Báo chí đã trở thành diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng yêu cầu. Báo chí bắt nguồn từ nhân dân và tiếng nói của người dân luôn là hơi thở của báo chí. Đó cũng chính là sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam.