Đưa báo chí trở về giá trị cốt lõi
Trong đề dẫn mở đầu hội thảo, Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá khẳng định: "Phản biện xã hội là nhu cầu khách quan; một trong những công cụ để người dân thực hiện phản biện xã hội là báo chí".
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có vẻ như báo chí đang bị cuốn hút bởi những thông tin tiêu cực. Liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí còn đưa lượt truy cập (view) thành một chỉ tiêu quan trọng đối với phóng viên, là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực của người làm báo.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí ngày 21/6 vừa qua nhấn mạnh: "Chúng ta cần một nền báo chí thúc đẩy xã hội cùng suy nghĩ để mang lại giải pháp chứ không chỉ là một lực lượng báo chí chỉ biết đưa tin và bình phẩm không mang tính xây dựng. Báo chí bình phẩm thì người dân cũng sẽ bình phẩm, báo chí giải pháp thì người dân cũng sẽ tìm giải pháp”.
Báo chí giải pháp - báo chí kiến tạo không còn xa lạ, nhiều tờ báo, bằng những hoạt động của mình đã góp phần đưa ra giải pháp cho các cơ quan chức năng hoặc thu thập những giải pháp từ người dân để chuyển đến cơ quan chức năng.
"Có thể coi báo chí kiến tạo là việc báo chí trở về với giá trị cốt lõi của mình. Tuy nhiên, do là khuynh hướng mới nên có thể còn nhiều băn khoăn, do đó hội thảo sẽ góp tiếng nói để làm rõ hơn câu chuyện này", ông Nguyễn Văn Bá nhìn nhận.
Vì sao tin tiêu cực được chia sẻ nhiều nhất
Bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Cục có hệ thống đo, quét các thông tin trên mặt báo hàng ngày. Trong đó, hệ thống này có thể đo quét được các thông tin tiêu cực, tích cực được đề cập.
Theo bà Giang, những bài về nội dung tiêu cực hiện nay đang được chia sẻ nhiều nhất, thậm chí những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội cũng được lấy lại từ báo chí.
Đề cập về báo chí kiến tạo, Phó Cục trưởng Mai Hương Giang dẫn chứng ví dụ về việc đưa tin trong đại dịch Covid-19. Theo bà Giang, có ba giai đoạn trong đại dịch mà báo chí đưa tin gồm: phản ánh về tình hình dịch bệnh; hai là hướng dẫn người dân bảo vệ mình trong đại dịch và khi dịch kiểm soát tốt thì báo chí đề cập đến giải pháp, và ở giai đoạn 3 chính là báo chí kiến tạo.
Lý giải về việc tại sao tin tức tiêu cực được nhiều người quan tâm, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phân tích từ vấn đề tâm lý học xã hội.
"Tại sao tin tiêu cực như thế mà công chúng lại đọc, điều này liên quan tâm lý người dân. Thứ nhất, con người quan tâm đến vấn đề an toàn của bản thân, hai nữa là về tính tò mò, khi báo chí đăng chắc chắn có chuyện. Điều này không trách công chúng được mà phải đề cập đến trách nhiệm của người làm tin tức", PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng nói.
Để giải quyết câu chuyện tin tiêu cực xuất hiện và được quan tâm nhiều, PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng: Phải xác định rõ thế nào là tin tiêu cực, cơ quan quản lý xây dựng khung tiêu chí thế nào là tin tức báo chí tích cực và tiêu cực.
"Báo chí có chức năng giám sát toàn bộ tiến trình xã hội, các cơ quan, tổ chức cá nhân... các cơ quan đều chịu sự giám sát của báo chí. Do đó, người làm báo ngoài đảm bảo khách quan thông tin thì thái độ, cách hành xử cũng phải hết sức khách quan", bà Hằng nói.
Làm gì để có báo chí kiến tạo?
Đề cập đến việc làm gì để có báo chí kiến tạo, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững đưa ra ba yêu cầu đối với các cơ quan báo chí hiện nay.
Đầu tiên, ông Dững cho rằng báo chí kiến tạo bắt buộc phải nói lên sự thật mang tính chọn lọc. Theo ông, sự thật chính là sức mạnh của báo chí.
Hai là, báo chí phải giám sát và phản biện xã hội. Việc phản biện các chính sách là vấn đề lớn, cần được thực hiện trên nguyên tắc công khai và minh bạch để tạo dựng niềm tin xã hội.
Giải pháp thứ ba ông Dững đưa ra là cần nâng cao trình độ đối với đội ngũ nhà báo. Theo đó, người làm báo cần nêu cao trách nhiệm pháp lý, chuẩn mực xã hội khi lựa chọn vấn đề, sự kiện và thông tin. Đồng thời các nhà báo cần nâng cao kỹ năng khai thác dữ liệu và phát triển mạnh mẽ mảng báo chí điều tra.
Phó Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus (TTXVN) Nguyễn Hoàng Nhật dẫn chứng một ví dụ về quy trình tác nghiệp của một phóng viên làm báo chí giải pháp.
"Phóng viên của Vietnamplus luôn đặt câu hỏi: tại sao thực trạng tồn tại lâu như thế? cần làm gì để giải quyết tình trạng đó? vấn đề chính sách có kẽ hở gì, pháp luật đã chặt chưa, cơ quan quản lý đã làm tròn trách nhiệm hay chưa?", ông Nhật nói và cho biết, toà soạn luôn có cơ chế khuyến khích phóng viên làm việc theo nhóm, lập đề cương trình ban biên tập trước khi thực hiện các loạt bài lớn.
Còn luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đặt vấn đề cần có để làm được báo chí kiến tạo. Theo ông, trước hết báo chí phải là hơi thở của cuộc sống, cuộc sống như thế nào báo chí phản ánh như thế. Muốn có báo chí chỉ có điều tốt đẹp thì chung tay nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Hai là hoàn thiện hành lang pháp lý. Ba là đảm bảo kinh tế nuôi sống báo chí, để người làm báo sống đàng hoàng bằng nghề đúng nghĩa.