Những năm gần đây, công tác truyền thông về đổi mới giáo dục phổ thông - trọng tâm là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – đã được thực hiện đồng bộ qua nhiều kênh gồm: tuyên truyền nội bộ, tuyên truyền trên các kênh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Đặc biệt, các chủ trương, chính sách đổi mới giáo dục thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo công chúng nên đã trở thành đề tài được nhiều cơ quan báo chí tập trung khai thác. Các cơ quan báo chí không chỉ ghi nhận các kết quả đạt được mà còn thẳng thắn nêu ra những khó khăn, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai. Những vấn đề được nhiều cơ quan truyền thông đưa góc nhìn phản biện gồm: biên soạn sách giáo khoa, lựa chọn sách giáo khoa, giá sách giáo khoa; triển khai dạy học môn tích hợp, đặc biệt là môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở; tổ chức dạy học môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông…
“Báo Giáo dục và Thời đại cùng Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tạp chí Giáo dục đã mở nhiều chuyên mục riêng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cập nhật, phản ánh thường xuyên thông tin về các sự kiện, hoạt động liên quan đến triển khai chương trình, sách giáo khoa mới… Riêng Báo Giáo dục và Thời đại, đến tháng 2/2023, tổng số tin/bài về chủ đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lên tới gần 5.000 tin/bài”, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục thời đại cho biết.
Có thể nói, công tác truyền thông chính sách qua các kênh phong phú, đa dạng nói trên đã góp phần quan trọng giúp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đạt được kết quả trong thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn không ít tồn tại cần khắc phục. Bàn về vấn đề này, Tổng Biên tập Báo Giáo dục thời đại phân tích: Nhiều sở giáo dục và đào tạo chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa bố trí nguồn lực phù hợp cả về nhân lực, kinh phí, điều kiện làm việc cho công tác truyền thông chính sách về giáo dục. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc còn thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin, truyền thông; dẫn đến còn có sự cố, khủng hoảng truyền thông.
Việc thực hiện truyền thông chính sách giáo dục từ sớm, từ xa đâu đó còn chưa được triển khai hiệu quả. Có chính sách giáo dục chưa được quan tâm truyền thông từ khi cơ quan quản lý có ý tưởng về chính sách, xây dựng dự thảo chính sách… dẫn đến còn có văn bản khi ban hành gặp phải ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này có lẽ là mối quan hệ chưa đủ chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản và cơ quan báo chí.
Vẫn còn một số thông tin tiêu cực, chưa chính xác về giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trên mạng xã hội, chưa được xử lý kịp thời. Còn có chính sách mà việc truyền thông trên báo chí chính thống chưa thực sự là “dòng chảy chính”.
Nhìn chung, “các cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan báo chí đã thể hiện sự đồng hành, chia sẻ, tuy nhiên, một bộ phận do chưa nắm bắt đầy đủ Chương trình giáo dục phổ thông (nội dung, mục tiêu, yêu cầu thực hiện, lộ trình,...) nên thông tin phản ánh chưa khách quan, bình tĩnh, đầy đủ, trách nhiệm”, ông Lâm nhận định.
Để công tác truyền thông chính sách ngày càng thiết thực, hiệu quả, Tổng Biên tập Triệu Ngọc Lâm đề xuất: Cần có đội ngũ cán bộ truyền thông chuyên nghiệp, am hiểu về giáo dục, được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn, đủ năng lực xây dựng kịch bản, dự đoán, dự báo tình hình khi triển khai thực hiện truyền thông chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo nói chung và đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng.
Đồng thời, cần xây dựng chiến lược truyền thông cụ thể theo từng tháng, từng quý và từng năm. Chiến lược truyền thông cần hướng linh hoạt, thậm chí có thể “đi tắt, đón đầu” những vấn đề của thực tiễn. Theo đó, cần dự báo được những vấn đề “nóng” có thể dư luận sẽ quan tâm. Trong nhiều vấn đề có thể áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”. Bố trí bộ phận truyền thông tham gia góp ý, phản biện trong quá trình thực thi chính sách đổi mới giáo dục.
Mặt khác, cần chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí, mạng xã hội đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin cho người dân về những vấn đề cần truyền thông. Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông để tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nghiên cứu việc đặt hàng với các cơ quan truyền thông, báo chí.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên nền tảng số. Sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh khi thực hiện truyền thông chính sách giáo dục, đào tạo trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông.