Những vấn đề tồn tại

Thời gian qua, các cơ quan báo chí đã tích cực thực hiện chức năng thông tin chính sách tới người dân. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình tham gia truyền thông chính sách của báo chí vẫn tồn tại một số vấn đề cần lưu ý.

anh 8.jpg

Bàn về câu chuyện này, ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội phân tích: Báo chí vẫn chưa thực sự có điều kiện tham gia vào một khâu quan trọng trong quy trình chính sách đó là nghiên cứu, đánh giá, dự báo những tác động về mặt truyền thông từ những phản ứng của dư luận đối với chính sách cả trong quá trình xây dựng cũng như triển khai trong thực tiễn. Chính việc thiếu những đánh giá tác động truyền thông mang tính chủ động như vậy mà trong nhiều tình huống các cơ quan ban hành chính sách cũng như báo chí chưa thực sự sẵn sàng cho những kịch bản ứng xử với các sự cố, thậm chí là khủng hoảng truyền thông khi chính sách được ban hành.

Mặt khác, mỗi cơ quan báo chí đều có những tôn chỉ mục đích, công chúng riêng, nhưng trên thực tế, tính đặc thù của mỗi cơ quan báo chí chưa được phát huy một cách triệt để. Sự phân vai của các cơ quan trong hệ thống báo chí là chưa thực sự rõ ràng. Điều này dẫn tới nhiều trường hợp cùng một thông tin chính sách, đa số các báo đều có cách tiếp cận phương pháp đưa tin giống nhau, gây lãng phí nguồn lực trong khi hiệu quả truyền thông lại chưa như mong muốn. Đặc biệt, trong công tác định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hay đứng trước những sự cố về truyền thông chính sách, việc các cơ quan báo chí chưa được phân vai cũng như xây dựng phương án truyền thông dựa trên tính đặc thù của mình đã phần nào giảm bớt sức mạnh của hệ thống truyền thông chính thống, thậm chí lúng túng trong việc tiếp cận và định hướng công chúng.

Cũng theo ông Lê Quang Minh, báo chí khi tham gia vào quá trình truyền thông chính sách rất cần sự đầu tư về nguồn lực, nhất là các giải pháp về kinh tế và công nghệ. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ báo chí, song cơ chế đặt hàng, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá hiện hành thấp đang tạo rất nhiều áp lực cho các cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Để duy trì hoạt động, nhiều hình thức tìm kiếm nguồn thu thông qua việc phản ánh các vấn đề chính sách bị biến tướng, gây bất bình đối với các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp khiến uy tín của nhiều tờ báo bị giảm sút, tác động không nhỏ đến hình ảnh báo chí đối với xã hội. 

Một số khuyến nghị

Để khắc phục hiện trạng nêu trên, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị.

Cụ thể, báo chí cần được tham gia chủ động hơn trong việc đề xuất các phương án truyền thông chính sách đối với các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách trên cơ sở tôn chỉ mục đích và đặc thù của mình. 

Đặc biệt, trong các kịch bản đấu tranh phản bác các luận điệu thù địch, xử lý sự cố về truyền thông chính sách, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Hội Nhà báo Việt Nam, sự phân vai rõ ràng hơn trong nhiệm vụ giữa các cơ quan báo chí với những sản phẩm tiếp cận theo những góc độ và mục đích khác nhau sẽ góp phần cộng hưởng sức mạnh của hệ thống báo chí chính thống, tăng năng lực đấu tranh với những luồng thông tin không chính thống từ các nền tảng mạng xã hội, tăng sức thuyết phục đối với dư luận.

Cùng với đó, cần xây dựng một chiến lược đầu tư bài bản để phát triển các nền tảng truyền thông đối ngoại (trước mắt bằng Tiếng Anh) để phục vụ mục tiêu truyền thông chính sách và phản bác các luận điệu sai trái với đối tượng khán giả là người nước ngoài. 

“Thực tiễn đã nhiều lần hệ thống báo chí được huy động để đấu tranh phản bác các luồng thông tin sai trái từ bên ngoài. Tuy nhiên các nội dung này đều bằng tiếng Việt nên dẫn đến tình trạng chúng ta nói cho nhau nghe, không có tác dụng với các độc giả, khán giả bên ngoài. Trong khi đó, các nền tảng truyền thông đối ngoại của một số cơ quan báo chí lớn lại chưa đủ mạnh để tạo thành Hub, từ đó tạo sức ảnh hưởng với công chúng bên ngoài. Việc đầu tư xây dựng nền tảng truyền thông là công việc cần phải có thời gian, nếu không có chiến lược đầu tư bài bản ngay từ bây giờ chúng ta sẽ không có những công cụ mạnh để truyền thông chính sách và đấu tranh trong lĩnh vực thông tin đối ngoại”, ông Minh chia sẻ thêm.

Tư Giang và nhóm PV, BTV